Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam, kể từ ca bệnh BN687.470 ở thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều ngày 19/9, đến sáng nay (28/9), tỉnh Hà Nam đã ghi nhận 214 ca bệnh COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp mã.
Cũng theo CDC Hà Nam, trong ngày 27/9, kết quả xét nghiệm xác định 35 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, giảm 14 ca so với ngày 26/9.
Tuy nhiên, trong số 35 ca trên, tâm dịch là thành phố Phủ Lý trong ngày hôm qua chỉ ghi nhận hơn 10 ca.
Đáng chú ý là ngày 27/9 ghi nhận dịch COVID-19 đã xuất hiện ở toàn bộ các địa phương còn lại của tỉnh Hà Nam như thị xã Duy Tiên (3 ca), huyện Lý Nhân (2 ca), huyện Kim Bảng (9 ca), huyện Thanh Liêm (3 ca), huyện Bình Lục (2 ca).
Lực lượng y tế đến từng nhà dân để xét nghiệm, tiêm phòng vắc xin - Ảnh: Hoàng Long |
Để đối phó với diễn biến dịch đang tăng nhanh về số ca, mở rộng về địa bàn, UBND tỉnh Hà Nam đã quyết định thành lập Bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh Hà Nam tại cơ sở 2 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam (địa chỉ tại phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý) với quy mô 300 giường, thuộc bệnh viện hạng I. Tổng số cán bộ, nhân viên làm việc tại đây trước mắt khoảng 50 người. Nếu số bệnh nhân tăng sẽ tiếp tục huy động cán bộ y tế đến từ các bệnh viện khác trong tỉnh.
Theo Sở Y tế tỉnh Hà Nam, từ tối ngày 26/9, Bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh Hà Nam bắt đầu thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19.
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nam cũng quyết định chuyển Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Hà Nam sang chuyên trị bệnh nhân COVID-19. Trong ngày 26, 27/9, tất cả các bệnh nhân chuyên khoa đang điều trị tại bệnh viện này đã được cho xuất viện về nhà điều trị ngoại trú, hoặc chuyển tuyến. Đối với bệnh nhân cấp cứu đến viện được hướng dẫn chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Toàn bệnh viện với 100 giường, cùng tất cả cán bộ, nhân viên hiện tại đều chỉ tập trung thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Quân đội điều động 4 xe xét nghiệm lưu động đến hỗ trợ tỉnh Hà Nam - Ảnh: Hoàng Long |
Tại vùng tâm dịch là thành phố Phủ Lý, Chủ tịch UBND thành phố Trương Quốc Bảo cho biết, đến nay mỗi người dân vùng giãn cách xã hội đã được lấy mẫu làm test nhanh 2 lần và 1 lần làm xét nghiệm RT-PCR.
Hiện thành phố Phủ Lý có trên 170.000 dân với hơn 47.000 hộ. Đến nay đã lấy mẫu xét nghiệm được trên 90% tổng số.
Hiện thành phố Phủ Lý đang tập trung tiêm vắc xin cho “vùng đỏ, vùng cam” (vùng nguy cơ rất cao và nguy cơ cao) gồm 7 phường, xã: Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Liêm Chính, Phù Vân, Thanh Châu, Lam Hạ, Liêm Chung, sau đó sẽ mở rộng ra toàn thành phố.
Thống kê đến hết ngày 27/9, trên địa bàn thành phố Phủ Lý, số người đã được tiêm vắc xin mũi 1 là gần 40.000 người, tiêm đủ 2 mũi là gần 6.000 người.
24 giờ thế giới ghi nhận hơn 300.000 ca mắc COVID-19 và 209 triệu người khỏi bệnh
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 314.989 trường hợp mắc COVID-19 và 4.731 ca tử vong. Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 28/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 232.967.514 ca, trong đó có 4.767.380người tử vong.
Các nước cũng ghi nhận trên 209 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và trên 98.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 27/9, thế giới có 127 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 101 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 43.867.714 ca mắc và 707.594 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 447.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 594.000 ca tử vong.
Nhằm hỗ trợ tỉnh Hà Nam chống dịch, Bộ Quốc phòng đã điều động Đoàn công tác gồm 60 cán bộ, y, bác sỹ của Viện Y học dự phòng Quân đội, Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 354 (thuộc Tổng cục Hậu cần) và Bệnh viện Quân y 109 (thuộc Quân khu 2) được tăng cường đến tỉnh Hà Nam hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đoàn được trang bị 4 xe xét nghiệm phòng chống dịch cơ động dã chiến hiện đại để tăng cường năng lực xét nghiệm, phục vụ công tác sàng lọc, bóc tách những trường hợp thuộc diện F0 ra khỏi cộng đồng.
Trước đó, các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình và Bắc Giang đã điều động gần 400 cán bộ y tế đến tỉnh Hà Nam để hỗ trợ phòng chống dịch.