Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu: Ai được lợi?

(khoahocdoisong.vn) - Nếu như thương chiến Mỹ - Trung đã kích hoạt quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, thì dịch Covid-19 đã khiến quá trình này diễn ra mạnh hơn.

Lựa chọn của chuỗi cung ứng

Trong nhiều năm, với những lợi thế như nguồn lao động rẻ, chính sách thu hút đầu tư ưu đãi, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành một công xưởng của thế giới. Số liệu từ Liên Hợp Quốc cho biết, kể từ năm 2010, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia chế tạo hàng đầu thế giới, chiếm hơn 28% lượng sản phẩm toàn thế giới.

Hàng loạt tập đoàn vốn toàn cầu đã xây dựng cả một hệ thống sản xuất hoàn thiện tại Trung Quốc, từ nhập khẩu, gia công, chế tạo đến nghiên cứu, thí nghiệm và phát triển sản phẩm.

Tuy nhiên, thương chiến Mỹ - Trung, kèm theo đó là dịch Covid-19 đã cho thấy những hệ quả của việc phụ thuộc quá nhiều vào “công xưởng” Trung Quốc. Đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn hoạt động vì cách ly xã hội… đang đặt các tập đoàn lớn trước những rủi ro trong chiến lược phát triển của mình.

Những nguy cơ trên đã khiến nhiều tập đoàn từ lâu đã manh nha việc chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Các tập đoàn này đang đẩy mạnh đầu tư vào Ấn Độ, Mexico, một số nước Đông Nam Á để giảm thiểu rủi ro gián đoạn cung ứng khi xảy ra biến động ở thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, Công ty ByteDance (trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc) sở hữu ứng dụng TikTok đang đàm phán với giới chức Anh về khả năng dời trụ sở sang Anh. Foxconn (Đài Loan) có kế hoạch chi 1 tỷ USD mở rộng nhà máy ở Ấn Độ để lắp ráp iPhone cho Hãng Apple (Mỹ). Apple cũng đang đẩy mạnh các dự án nhà máy sản xuất của mình tại Việt Nam…

Đây là những quốc gia có vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển, hoặc gần sát với Trung Quốc. Đồng thời, những thị trường này cũng có lợi thế về nguồn nhân lực rẻ, đang dần tiến đến nhân lực chất lượng cao. Hơn nữa, đây là các quốc gia đang phát triển, nhu cầu lớn về nguồn vốn FDI để tăng cường phát triển kinh tế…

Lựa chọn dịch chuyển cơ sở sản xuất của các tập đoàn toàn cầu không chỉ là những thị trường tiềm năng, mà còn là kết quả sức hút từ chính sách kêu gọi từ quốc gia chủ quản. Ví dụ như Mỹ có chính sách ưu đãi thuế thu nhập, giảm thủ tục hành chính để thu hút đầu tư sản xuất; EU thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược”; Nhật Bản trích hẳn gói ngân sách 2 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đưa sản xuất về nước…

Tuy nhiên, cần lưu ý tới thực tế, dù chuỗi cung ứng dịch chuyển diễn ra mạnh hơn vì dịch Covid-19, nhưng các tập đoàn vẫn trong quá trình xây dựng chiến lược và chưa thể tách rời ảnh hưởng bởi Trung Quốc. Có nghĩa xu hướng dịch chuyển này có thể còn diễn ra mạnh hơn trong thời gian tới. 

Trong giai đoạn hiện tại, Trung Quốc vẫn là quốc gia có năng lực cạnh tranh vượt trội về thị trường, hiệu quả theo quy mô, kết cấu hạ tầng, hệ thống logistics, mạng lưới công nghiệp hỗ trợ và nguồn cung lao động có kỹ năng. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn toàn cầu gắn kết lợi ích chặt chẽ với Trung Quốc về thị trường và sản xuất, nhiều năm đầu tư lớn cho phát triển chuỗi cung ứng tại Trung Quốc nên khó có thể rời đi trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc đang triển triển khai nhiều biện pháp để “giữ chân” nhà đầu tư, như xây dựng các chính sách ưu đãi đặt biệt đối với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, nhất là các tập đoàn đa quốc gia của phương Tây; ban hành Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi; mở rộng các khu thí điểm tự do thương mại (FTZ) với nhiều ưu đãi; tăng cường hợp tác kinh tế với khu vực, trọng tâm là hợp tác khu vực Đông Bắc Á, ASEAN+1, ASEAN+3, thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); áp dụng một số rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế nhà đầu tư rút vốn, chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc...

Cơ hội nào cho Việt Nam

Những dấu hiện của sự dịch chuyển chuỗi cung ứng không khó để nhận ra, do đó các nước có ưu thế thu hút đầu tư đều đã tích cực xây dựng các chính sách thu hút FDI.

Ấn Độ xem xét miễn thuế cho các dự án đầu tư mới trên 500 triệu USD, miễn thuế 4 năm cho các dự án đầu tư trên 100 triệu USD trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm. Indonesia ban hành các chính sách ưu đãi mới, hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài chuyển từ Trung Quốc sang Indonesia, thiết lập Khu công nghiệp Brebes dành riêng cho doanh nghiệp Mỹ. Thái Lan đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực thiết bị y tế, ưu tiên các dự án công nghệ cao. Malaysia tăng ưu đãi thuế để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược…

So với các nước trên, Việt Nam cũng có những lợi thế của riêng mình. Cụ thể như tình hình chính trị - xã hội ổn định, tầng lớp khá giả ngày càng tăng... Độ mở của nền kinh tế cao với mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo ra nhiều đặc quyền tiếp cận thị trường khó tính… Việc khống chế thành công dịch Covid-19 cũng là điểm sáng về tính hiệu quả chính quyền, chính sach của Việt Nam so với những đối thủ như Ấn Độ, Indonesia, Philippines…

Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm thách thức. Môi trường đầu tư của Việt Nam hiện còn nhiều điểm yếu như như hạn chế về năng lực quản lý, kết cấu hạ tầng, công nghiệp phụ trợ và mạng lưới logistics còn chưa hoàn thiện…

Những khó khăn này của Việt Nam không dễ gì khắc phục trong ngắn hạn, trong khi đó dịch chuyển chuỗi cung ứng thì lại không chờ các quốc gia có thời gian hoàn thiện hệ thống hạ tầng của mình.

Đáng chú ý, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng hiện nay chủ yếu ở mức gia công hạ nguồn bởi không đòi hỏi cao về công nghệ, cũng như trình độ lao động nên dễ tìm kiếm được địa bàn để phân tán rủi ro. 

Do đó, nếu những điểm yếu của Việt Nam không sớm khắc phục sẽ làm tăng nguy cơ lún sâu vào bẫy gia công, lắp ráp, khó kiểm soát được các dòng đầu tư chất lượng thấp, đầu tư thâu tóm thị trường và doanh nghiệp trong nước, đầu tư “núp bóng”...

Xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Nếu phát huy và khai thác tối đa những lợi thế của mình, Việt Nam có cơ hội lớn với vị thế thuận lợi, đa dạng hóa, đa phương hóa việc tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ thu hút các tập đoàn lớn, tập đoàn công nghệ có nhu cầu dịch chuyển sản xuất và chuỗi cung ứng, nhờ đó thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Theo KH&ĐS
Thanh long ruột đỏ tăng giá

Thanh long ruột đỏ tăng giá

So với 1 tháng trước, giá trái thanh long ruột đỏ tại nhiều địa phương vùng Ðồng bằng Sông Cửu Long tăng mạnh từ 10.000 đến 12.000 đồng/kg.
Đèn bắt muỗi giá rẻ, “mua bực” vào người

Đèn bắt muỗi giá rẻ, “mua bực” vào người

Đèn bắt muỗi là thiết bị gia dụng được nhiều gia đình tin dùng hiện nay, giúp tiêu diệt muỗi và côn trùng hiệu quả. Nhiều loại đèn bắt muỗi “giá rẻ giật mình” được bày bán tràn lan trên thị trường, khiến người tiêu dùng hoang mang.
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
Loạn giá vòng tay trầm hương

Loạn giá vòng tay trầm hương

Gỗ trầm hương được cho là nằm trong “Tứ đại hương mộc” của Việt Nam. Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu sử dụng ngày càng cao trên thị trường, đã có rất nhiều sản phẩm nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan.
back to top