Do đó, ACV đề xuất đầu tư xây dựng ga hành khách T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Theo đó, nhà ga T3 sẽ rộng khoảng 100.000m2, công suất 20 triệu hành khách/năm (lớn nhất trong số 3 nhà ga của sân bay), vốn đầu tư hơn 11.430 tỷ đồng. Nhà ga có hệ thống đường dẫn trên cao với 2 làn xe, cầu cạn trước nhà ga cho 5 làn xe, hệ thống sân đỗ ô tô, nhà để xe cao tầng…
ACV đánh giá việc xây dựng nhà ga T3 là giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng dịch vụ, khắc phục tắc nghẽn, quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện Bộ Quốc phòng đã thống nhất bàn giao cho Bộ GTVT khu đất xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, với tổng diện tích 16,7ha.
Dự kiến thời gian triển khai xây dựng nhà ga T3 sẽ mất khoảng 43 tháng. Nếu được triển khai ngay, nhà ga dự kiến hoàn thành vào Quý II/2022. Do đó, ACV kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án xây dựng nhà ga T3.
Về tài chính, ACV dự kiến tìm kiếm nhà đầu tư cùng xây dựng nhà ga hành khách T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất, thời gian thu phí thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ga T3 sẽ trong khoảng 22 năm.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã phát đi chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về phương án huy động vốn và lộ trình đầu tư, xây dựng dự án mở rộng, nâng cấp đồng bộ các hạng mục công trình tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo đó, Phó thủ tướng khuyến khích tư nhân đầu tư, ưu tiên dùng vốn hợp pháp ngoài ngân sách để thực hiện nâng đầu tư, sớm xây dựng, đưa công trình vào khai thác, sử dụng trong năm 2020.
Hiện, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP), Vietjet Air, Liên danh Cty CP Kết cấu thép Atad - Cty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Nam Việt Á... đều đang đề xuất được đầu tư làm nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.