Đấu giá đất Thủ Thiêm: Trúng giá nghìn tỉ, tài sản công ty chưa đến 100 triệu, tiền ở đâu mà có?

Kết quả cuộc đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm (TP HCM) vài ngày qua đã gây sốc, với mức giá lên đến 2.4 tỷ đồng/m2. Nhưng 2 trong 4 doanh nghiệp tạo nên phiên đấu giá kỷ lục này có tài sản dưới 100 triệu đồng, một đơn vị vừa lỗ nghìn tỷ, còn một công ty chỉ vừa được thành lập.

Bốn lô đất đắc địa phía Bắc Thủ Thiêm vừa tạo nên một phiên đấu giá lịch sử, Những lô đất với ký hiệu lần lượt là 3-5, 3-8, 3-9, 3-12 mang về tổng cộng 37.346 tỷ đồng, gấp 7 lần khởi điểm.

4 công ty trúng đấu giá trong đợt này là những công ty nào, tiềm lực ra sao là những câu hỏi được nhiều người quan tâm.

viber_image_2021-12-15_18-15-19-947-1-.png
Danh sách 4 công ty trúng đấu giá đất Thủ Thiêm  (Đơn vị: Tỷ đồng)

Công ty CP Dream Republic

Lô đất 3-5, có diện tích 6.446 m2, được Công ty cổ phần Dream Republic đấu giá thành công với mức 3.820 tỷ đồng, gấp 6,6 lần giá khởi điểm.

Dream Republic thành lập ngày 4/10/2017 với vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng, do ba cổ đông cá nhân góp vốn là Trần Thị Mộng Linh, Đặng Minh Thắng, Trương Ích Quốc với tỷ lệ 40%, 30% và 30%.

Bà Linh, ngoài vai trò đại diện pháp luật tại Dream Republic, còn đại diện cho Công ty TNHH Tú Linh, Công ty TNHH Speed Pro.

Ông Đặng Minh Thắng là người đại diện theo pháp luật của 5 doanh nghiệp, gồm Công ty Dịch vụ Supreme Performance, Công ty Công nghệ Innoware. Công ty TNHH Đầu tư City Link, Công ty CP Đầu tư City Field và Công ty TNHH Kết nối Sáng tạo Weedoo.

Tại Công ty Công nghệ Innoware, ông Thắng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, trong khi hai thành viên còn lại là Trương Huệ Vân và Lâm Khắc Vinh (Truong Vincent Kinh).

Trương Huệ Vân, sinh năm 1988, là thế hệ thứ tư của gia tộc họ Trương của tập đoàn kín tiếng Vạn Thịnh Phát. Còn ông Trương Ích Quốc là đại diện Công ty TNHH Golden Universe, đồng thời cũng góp vốn tại Công ty CP Đầu tư City Field - công ty do ông Thắng là người đại diện theo pháp luật.

Theo nguồn tin phóng viên nắm được, tổng tài sản của doanh nghiệp này giai đoạn 2017 - 2020 Dream Republic, chỉ vỏn vẹn 8,7 triệu đồng, 15,9 triệu đồng, 20 triệu đồng và 15,7 triệu đồng. Doanh nghiệp cũng không phát sinh doanh thu kể từ khi thành lập.

Sau 4 năm kinh doanh Dream Republic báo cáo lỗ lũy kế gần 450 triệu đồng.

Công ty CP Sheen Mega

Lô 3-8 rộng hơn 8.500 m2 cũng được đấu giá thành công bởi Công ty cổ phần Sheen Mega, với mức 4.000 tỷ đồng, 4 lần so với giá khởi điểm.

Công ty CP Sheen Mega, mới được thành lập tháng 11/2019, đặt trụ sở tại 32 Lê Lợi, phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM, với vốn đăng ký là 500 tỷ đồng.

Ba cổ đông của doanh nghiệp này là bà Nguyễn Thị Huyền (1985), bà Đặng Thị Hồng Hạnh (1996) và ông Nguyễn Ngọc Hiếu (1989). Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật hiện là bà Nguyễn Thị Huyền.

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Huyền sinh năm 1985 còn là cổ đông sáng lập tại Công ty Đắc Vạn Hưng. Đắc Vạn Hưng gián tiếp sở hữu số cổ phần CTCP Tập đoàn Peninsula được Ngân hàng SCB định giá 2.285 tỷ đồng vào đầu năm 2021.

Tương tự Dream Republic, tổng tài sản của Sheen Mega tính tới cuối năm 2020 chỉ đạt vỏn vẹn 27,6 triệu đồng. Trong khi đó doanh thu thuần cũng ở mức 0 đồng, khấu trừ chi phí khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế trên 202 triệu đồng.

Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh

Lô đất 3-9 ban đầu có giá khởi điểm hơn 728 tỷ đồng nhưng được đấu lên hơn 5.000 tỷ đồng bởi, gấp gần 7 lần giá khởi điểm, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh là đơn vị trúng đấu giá.

Theo tìm hiểu của phóng viên, doanh nghiệp này mới được thành lập và hầu như “vô danh” trên thị trường bất động sản.

Doanh nghiệp này vừa được thành lập ngày 24/09/2021, đặt trụ sở tại tòa nhà 151, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là bà Thân Thị Liên (sinh năm 1992). Công ty ban đầu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đến ngày 3/12/2021 tăng vốn lên 200 tỷ đồng.

Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Viet Star)

Lô 3-12 có biên độ tăng cao nhất, với giá khởi điểm hơn 2.942 tỷ đồng, nhưng giá trúng lên tới 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần, thuộc về Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt.

So với các doanh nghiệp trên, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Viet Star) có "tiếng" hơn. Công ty này chi ra 24.500 tỷ đồng để giành lấy lô đất mang số hiệu 3-12 được giới thiệu là thành viên thuộc Tân Hoàng Minh Group, chủ đầu tư của dự án D'. Capitale Trần Duy Hưng, Hà Nội.

Đại diện cho công ty này tham gia phiên đấu giá cũng là ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch của Tân Hoàng Minh.

So về tiềm lực, Viet Star có phần nổi trội nhất trong số bốn doanh nghiệp vừa trúng đấu giá nhưng quy mô vẫn khiêm tốn nếu so với số tiền phải bỏ ra để đấu giá lô đất 3-12.

Tổng tài sản của Viet Star đến cuối năm 2020 mới dừng ở mức hơn 7.600 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt hơn 800 tỷ.

Ở thời điểm cao nhất là năm 2018, tổng tài sản của Viet Star cũng chỉ hơn 17.300 tỷ đồng, tức là vẫn thấp hơn 30% so với số tiền mà công ty này vừa phát giá.

Nhìn vào tổng tài sản, và hoạt động kinh doanh bết bát của các doanh nghiệp đấu giá thành công những lô  đất vàng tại Thủ Thiêm với giá trên trời, các chuyên gia nghi ngờ về tiềm lực thực sự của các doanh nghiệp này.

Dấu hiệu đã thấy rõ, các doanh nghiệp tham gia đấu giá chỉ là vỏ bọc của các tập đoàn lớn đang thâu tóm hàng loạt các vị trí vàng tại TP. HCM, cũng như cả nước.

Theo Đời sống
back to top