Đấu giá biển số ô tô: Làm sao tránh biến tướng, tiêu cực?

“Bộ Công an sẽ lựa chọn một tổ chức đấu giá thực hiện những buổi đấu giá công khai, minh bạch. Chúng tôi cũng đưa ra một kho số để người dân lựa chọn”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết.

Từ ngày 1/7, Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số ô tô có hiệu lực. Người dân được quyền lựa chọn, đấu giá để sở hữu biển số xe theo mong muốn. Câu hỏi dư luận quan tâm là làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của người dân và Nhà nước, tránh biến tướng, tiêu cực?

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), cho hay, quá trình đấu giá sẽ công khai, minh bạch trên môi trường mạng, được người dân, các cơ quan bảo vệ pháp luật, đơn vị truyền thông giám sát.

Cũng về vấn đề này, Luật sư Lê Thu Hằng - TAT Law Firm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - nhận định, điều quan trọng nhất để tránh việc đầu cơ là phải thực hiện quá trình đấu giá một cách chặt chẽ, minh bạch dưới sự giám sát của người dân.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trúng đấu giá biển số xe, quyền lợi được đảm bảo thế nào?

Từ ngày 1/7 tổ chức thí điểm đấu giá biển số ô tô, công tác chuẩn bị sẵn sàng, thưa Ông?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Chúng tôi đã xong về mặt pháp lý, đồng thời chuẩn bị về nguồn nhân lực; xây dựng kế hoạch triển khai 2 nghị quyết; xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin.

Bộ Công an sẽ lựa chọn một tổ chức đấu giá thực hiện những buổi đấu giá công khai, minh bạch. Chúng tôi cũng đưa ra một kho số để người dân lựa chọn. Dự kiến, phiên đấu giá đầu tiên diễn ra từ ngày 15/8 đến 20/8.

Nghị quyết số 73/2022/QH15 quy định thế nào về quyền và nghĩa vụ của người tham gia và trúng đấu giá biển số xe?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Để muốn có một biển số xe đẹp, phù hợp với nguyện vọng, người dân cần lưu ý một số vấn đề khi tham gia đấu giá.

Cụ thể, phải đăng ký tham gia đấu giá tại trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản, được cấp một tài khoản truy cập, được hướng dẫn về cách sử dụng tài sản, cách trả giá. Người tham gia đấu giá lựa chọn biển số xe theo nhu cầu trong danh sách biển số đưa ra đấu giá, phải nộp hồ sơ, tiền đặt trước của biển số xe ô tô đã được lựa chọn trong danh sách, được cấp mã số tham gia cuộc đấu giá.

Người tham gia đấu giá lưu ý phải truy cập vào trang thông tin đấu giá trực tuyến bằng tài khoản truy cập của mình và thực hiện thủ tục theo quy chế của đấu giá. Trong một phiên đấu giá sẽ gồm nhiều cuộc đấu giá, tài khoản được cấp chỉ được thực hiện cho một cuộc đấu giá, khi tham gia cuộc đấu giá sẽ thực hiện các trình tự để được cấp tài khoản đấu giá khác.

Việc định danh biển số sẽ được hiểu như thế nào và khi áp dụng mang lại lợi ích gì cho người dân, cơ quan quản lý?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Định danh biển số ô tô được hiểu rằng, khi người dân mua bán, sang tên phương tiện, biển số vẫn được giữ lại và tiếp tục đăng ký cho xe khác. Số trên biển sẽ giống sim điện thoại, có thể lắp vào bất kỳ chiếc máy nào. Có thể hiểu, chủ phương tiện bán xe của mình được giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác. Định danh biển số ô tô là để phục vụ tốt cho công tác quản lý của Nhà nước và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của người dân trong việc tham gia giao thông khi sử dụng phương tiện.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT

Giải pháp tránh biến tướng, tiêu cực

Phòng ngừa hiện tượng hacker can thiệp hệ thống, làm thay đổi kết quả đấu giá, các chế tài, giải pháp đưa ra là gì?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Khi thực hiện đấu giá biển số trên môi trường Internet, việc tấn công mạng làm tê liệt quá trình đấu giá hoặc làm sai lệch kết quả là nguy cơ có thể xảy ra và đều được Bộ Công an tính đến.

Để cuộc đấu giá diễn ra công khai minh bạch, Bộ Công an đã chỉ đạo chuẩn bị kỹ hạ tầng về công nghệ thông tin, đường truyền và dự báo những tình huống tấn công mạng làm thay đổi kết quả, ngưng trệ đấu giá để xử lý ngay. Đồng thời, Bộ cũng đào tạo nguồn nhân lực để vận hành làm sao cho quá trình đấu giá diễn ra công khai, minh bạch, người dân có thể tham gia thuận lợi và giám sát.

Nếu tượng hacker can thiệp vào hệ thống, làm thay đổi kết quả đấu giá sẽ bị xử lý thế nào?

Luật sư Lê Thu Hằng: Hiện nay, pháp luật có quy định cụ thể để xử lý vấn đề hacker xâm nhập mạng máy tính.

Trường hợp xâm nhập nhưng chưa nghiêm trọng, hacker có thể bị xử phạt hành chính theo điều 80, Nghị định 15/2020/NĐ- CP của Chính phủ. Hành vi có tính chất nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo điều 289 Bộ luật Hình sự. Mọi hành vi can thiệp vào hệ thống điện tử, làm thay đổi kết quả đấu giá, đều bị xử lý.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dư luận vẫn nghi ngại việc đấu giá biển ô tô không tránh khỏi tình trạng đầu cơ, tích trữ biển số đẹp nhằm trục lợi, Bộ Công an có tính tới tồn tại này để khắc phục?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đưa ra giải pháp để giải quyết tình trạng đầu cơ tích trữ, biển số đẹp. Trước hết, phải ngăn chặn ngay từ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Ngay trong Nghị quyết 73 và Nghị định 39 đã quy định rất rõ quyền lợi của người trúng biển số xe được sử dụng biển số, khi bán xe giữ lại biển số, trong thời hạn 12 tháng phải đăng ký biển số xe đó, trường hợp bất khả kháng được kéo dài 6 tháng. Bằng văn bản quy phạm pháp luật đã ngăn chặn được việc đầu cơ tích trữ biển số xe.

Quá trình đấu giá sẽ được công khai, minh bạch trên môi trường mạng, được người dân, các cơ quan bảo vệ pháp luật, đơn vị truyền thông giám sát. Đây là điểm mới. Lực lượng Công an nhân dân làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm bắt đối tượng đầu cơ, tích trữ hoặc nhen nhóm thực hiện hành vi trục lợi sẽ được ngăn chặn ngay từ đầu, không để xảy ra.

Luật sư Lê Thu Hằng: Điều quan trọng nhất để tránh việc đầu cơ là phải thực hiện quá trình đấu giá một cách chặt chẽ, minh bạch dưới sự giám sát của người dân.

Nghị quyết mới cũng đã quy định về thời hạn được giữ lại biển số khi chưa đăng ký, và các hạn chế về mặt chuyển nhượng biển số xe. Đây chính là những rào cản để ngăn chặn việc đầu cơ, trục lợi biển số xe. Cơ quan quản lý cần theo dõi sát tình hình thực tế, sẵn sàng phản ứng với biến động trong việc đấu giá biển số để ứng phó kịp thời.

Xin cảm ơn Thiếu tướng Lê Xuân Đức, luật sư Lê Thu Hằng!

Người dân ở TP HCM có thể đấu giá biển số ở Hà Nội

Theo Nghị quyết 73, tổ chức đấu giá tất cả biển số của 63 địa phương, để người dân có quyền lựa chọn. Ví dụ, người dân ở TP HCM có thể lựa chọn và đấu giá biển số ở Hà Nội.

Dự kiến của Cục CSGT, trong một quý sẽ cấp khoảng 100.000 biển số để đưa ra đấu giá. Số biển này sẽ là một phiên đấu giá, trong phiên đấu giá sẽ có nhiều cuộc đấu giá. Không phải một lúc đấu giá 100.000 biển số, mà tùy theo tình hình thực tế, nhu cầu của người dân, có thể đấu giá 1.000, 10.000 biển...

Công dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc đều có thể tham gia đấu giá. Người dân đăng ký đấu giá biển số xe thì chỉ cần mang theo Căn cước công dân và đăng ký ở nơi thường trú hoặc tạm trú. Đây là chính sách mở của Bộ Công an, lấy người dân làm trung tâm.

Tiền từ đấu giá biển số ô tô được sử dụng thế nào?

Theo thiếu tướng Lê Xuân Đức, mức khởi điểm đấu giá 40 triệu đồng bằng 5% của những phương tiện ô tô phổ thông nhất mà người dân lưu thông. Mức khởi điểm này phù hợp điều kiện kinh tế của người dân hiện nay.

Về giá đặt cọc, theo Nghị quyết, bằng giá khởi điểm. Bước giá tối thiểu là 5 triệu đồng và người đấu giá có thể đặt các bước giá 5 triệu đồng x n (n không giới hạn).

Toàn bộ số tiền đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước. Khi phân bổ ngân sách, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội để giải ngân nguồn này.

Theo Đời sống
Thủng ruột do... thói quen ngậm tăm sau khi ăn

Thủng ruột do... thói quen ngậm tăm sau khi ăn

Dị vật đường tiêu hoá nếu không được phát hiện sớm và điều trị sẽ gây ra các nguy cơ chảy máu, thủng ruột, tắc ruột, áp xe ổ bụng, nghiêm trọng hơn có thể gây nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm đến tính mạng.
back to top