Nữ bệnh nhân, 62 tuổi vào viện vì trong tình trạng đau tức âm ỉ vùng hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa. Sau khi thăm khám và làm các cận lâm sàng cần thiết. Kết quả siêu âm và chụp MRI cho thấy hình ảnh u cơ tuyến túi mật. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn và đưa ra chẩn đoán U cơ tuyến túi mật. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt túi mật để điều trị bệnh.
Nội soi cắt túi mật cho bệnh nhân bị u cơ túi mật |
Sau phẫu thuật, tình hình sức khỏe bệnh nhân ổn định, hồi phục tốt. Phẫu thuật nội soi cắt túi mật vết mổ nhỏ , ít đau, hồi phục sớm và đảm bảo tính thẩm mỹ cao.
Các bác sĩ cho biết, u cơ tuyến túi mật (Gallbladder adenomyomatosis) là một dạng tổn thương lành tính, đặc trưng bởi sự phì đại biểu mô, niêm mạc và cơ trơn. Trong trường hợp này, thành túi mật dày lên (đôi khi > 10mm), có chứa túi thừa hoặc xoang Rokitansky-Aschoff (túi thừa giả hoặc các túi trên thành túi mật). Xoang Rokitansky-Aschoff xâm lấn rất sâu, liên quan trực tiếp đến hiện tượng dày lên của thành túi mật, đôi khi có thể lan ra ngoài lớp cơ.
U cơ tuyến túi mật thường không gây ra triệu chứng, chủ yếu được phát hiện tình cờ qua kết quả chẩn đoán hình ảnh hoặc giải phẫu bệnh của bệnh phẩm cắt túi mật. Khối u có thể gây ra cơn đau quặn mật ở vùng hạ sườn phải nhưng rất hiếm. Triệu chứng đau chỉ kéo dài từ vài phút đến vài giờ và tự khỏi.
Một số trường hợp bị rối loạn tiêu hóa không đặc hiệu và tăng tần suất theo thời gian như không dung nạp thức ăn béo, buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi… U cơ tuyến túi mật cũng có thể được biểu hiện bằng các đợt viêm túi mật không do sỏi.
Cơ chế bệnh sinh của u cơ tuyến túi mật vẫn chưa được xác định chính xác, có thể liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ đan xen. Ngoài ra, cơ chế bệnh sinh ở người lớn cũng khác với trẻ sơ sinh. Một số nguyên nhân được dự đoán gồm:
Các rối loạn vận động của túi mật (tăng động thần kinh cơ) gây áp lực trong lòng ống mật và hiện tượng nhô ra của biểu mô vào cơ.
Viêm túi mật mạn tính.
Tình trạng trào ngược mạn tính của dịch tụy vào túi mật làm tăng sản biểu mô túi mật, đặc biệt là ở những người bệnh có bất thường chỗ nối tụy-mật (vị trí ống tụy đổ vào ống mật chủ).
Tình trạng tái hấp thu quá mức của mật ở thành túi mật, gây viêm đường mật mạn tính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành u cơ tuyến túi mật.
Phần đáy của túi mật bài tiết kém, dẫn đến ứ mật, tạo sỏi với độ bão hòa cholesterol, giảm axit mật và phospholipid, về lâu dài có nguy cơ gây u cơ tuyến túi mật.
Đau bụng, rối loạn tiêu hóa không ngờ phải cắt túi mật vì u cơ |
U cơ tuyến túi mật là một dạng tổn thương lành tính, vẫn chưa có kết luận chính xác về mối quan hệ với ung thư biểu mô túi mật giai đoạn đầu do cơ chế bệnh sinh chưa rõ ràng. Tuy nhiên, tình trạng này cũng cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh các biến chứng sau:
Tắc nghẽn dòng chảy của dịch mật: Túi mật co bóp, các thùy tác động lên ống túi mật, làm tắc nghẽn dòng chảy của dịch mật, từ đó gây ra các cơn đau bụng trên bên phải.
Viêm túi mật: Túi mật bị viêm nhiễm gây đau bụng, sốt.
Viêm tụy cấp: Viêm tuyến tụy có thể xảy ra nếu dịch mật ứ đọng trong ống tụy do tắc nghẽn ống nang.
Tùy từng trường hợp u cơ tuyến túi mật có phương pháp điều trị khác nhau. Vì vậy khuyến cáo người dân khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có triệu chứng bất thường: Đau bụng, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn…đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.