Ngày 17/9, Quảng trường Tân An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cùng đại diện nhiều bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk và đại diện Sở NN&PTNT nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Những chiếc xe container chở sầu riêng tươi đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. |
Theo đó, sẽ có 20 xe container (khoảng 25 tấn/công) sầu riêng tươi (được thu hoạch từ 21 mã vùng trồng tại tỉnh Đắk Lắk) chính thức lăn bánh, xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Những trái sầu riêng được thu hái từ các vườn sầu riêng của Đắk Lắk, do các doanh nghiệp được cấp mã cơ sở đóng gói.
Đây là kết quả của nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chuyên môn giữa hai bên và sự đồng hành kiên trì của cộng đồng những người sản xuất và xuất khẩu sầu riêng Việt Nam. Bên cạnh đó, Đắk Lắk ghi dấu những trái sầu riêng ngon lành của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch, hiện diện trên các kệ hàng, bắt đầu hành trình tự tin chinh phục người tiêu dùng tại thị trường lớn nhất thế giới.
Ông Lê Minh Hoan- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam công bố lễ xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên. |
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: "Sau gần 4 năm chuẩn bị, đàm phán giữa hai nước, việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc mang một ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới hiện nay. Đồng thời, việc này giúp doanh nghiệp, nông dân tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.
Bộ Trưởng Hoan khẳng định: "Những trái sầu riêng đầu tiên xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc ngày hôm nay là niềm tin và hy vọng của người nông dân, doanh nghiệp nhằm xây dựng và phát triển hình ảnh, thương hiệu sầu riêng Việt Nam. Đây là cơ hội quý giá đối với trái sầu riêng tươi và tiếp tục hứa hẹn kết quả đàm phán tích cực để mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam trong thời gian tới"
"Trái sầu riêng hay bất kỳ một loại nông sản nào khác muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì mọi cá nhân trong chuỗi giá trị nông sản cần phải chung sức chung lòng, hợp tác để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước cần "đi cùng nhau" trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng, trong từng sự kiện giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư…", Bộ Trưởng Hoan chia sẻ thêm.
Bộ Trưởng cùng các lãnh đạo Sở Ban ngành tỉnh Đắk Lắk thăm một vườn sầu riêng tại huyện Krông Pắk. |
Trao đổi với phóng viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - Y Giang Gry Niê Knơng cho rằng đây là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng sầu riêng Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ.
"Nghị định thư được ký kết giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc mở ra cơ hội xuất khẩu sầu riêng cho cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, góp phần nâng tầm giá trị sầu riêng của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ vì các nội dung của Nghị định thư thực chất là các yêu cầu kỹ thuật buộc bên sản xuất, đóng gói và xuất khẩu phải tuân thủ", ông Y Giang Gry Niê Knơng nói.
Hiện nay, diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk trên 15 nghìn ha, là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn thứ 2 của cả nước sau tỉnh Tiền Giang, ước sản lượng thu hoạch năm 2022 là 170.000 tấn và ước sản lượng đến năm 2025 là trên 300.000 tấn. Sau quá trình chuẩn bị, bước đầu tỉnh Đắk Lắk đã được Tổng cục Hải Quan Trung Quốc phê duyệt 4 mã cơ sở đóng gói sầu riêng và 23 mã số vùng trồng (chiếm 45% mã số vùng trồng cả nước được phê duyệt), với diện tích 1.500 ha (chiếm 18,3% diện tích sầu riêng cho thu hoạch của tỉnh).
Sự kiện này là niềm tự hào chung của những người dân, doanh nghiệp ngành hàng sầu riêng vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên./.