Chú Hoả (1845-1901) tên khai sinh là Hui Bon Hoa, Jean Baptiste Hui Bon Hoa, phiên âm là Hứa Bổn Hỏa. Chú Hoả là nhân vật thứ 4 trong câu nói "Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa lừng lẫy một thời. Ông là phú hộ giàu có Sài Gòn xưa.
Dù xếp ở vị trí thứ 4 nhưng chú Hoả lại là người nắm giữ hơn 40% bất động sản Sài Gòn thời đó. Ông sở hữu tới hơn 30.000 căn nhà ở các vị trí đắc địa nhất Sài Thành.
Phất lên nhờ nhặt phế liệu
Theo nhiều giai thoại kể lại, vị đại gia Sài Gòn có xuất thân nghèo khổ, từng kiếm sống bằng nghề buôn bán phế liệu, thu mua ve chai. Từ đó cũng sinh ra nhiều giai thoại về quá trình "đổi đời" của trùm bất động sản Sài Gòn xưa.
Nhiều người đồn đoán rằng chú Hoả giàu lên là nhờ mua được một bức tượng đúc đồng chứa đầy vàng bên trong. Trong khi đó, một số khác cho rằng ông kiếm được khoản tiền lớn khi phân loại thành công vàng từ 20.000 máy truyền tin cũ.
Chú Hoả là đại gia nức tiếng Sài Gòn xưa. Ảnh: tư liệu |
Dù chưa có ai xác nhận song những câu chuyện này đều nhắc đến quá trình chịu thương, chịu khó và đầy khôn ngoan của Chú Hỏa. Nhờ con mắt tinh tường, tài trí hơn người, Chú Hoả đã mua lại toàn bộ khu đất tại trung tâm Sài Gòn và cho san lấp rồi xây nên Chợ Bến Thành – Khu chợ Mới lớn nhất thời bấy giờ và tồn tại cho đến ngày nay như một nét kiến trúc văn hóa độc đáo.
Sau đó, ông đã nhanh tay mua hết vùng đất xung quanh đó. Đến khi chợ xây xong, ông sở hữu trong tay 20.000 nền nhà thuộc đất vàng, sau tăng dần lên 30.000. Ông cho thuê những ngôi nhà đó, thu lợi nhuận và đầu tư xây dựng những công trình khác.
Vua nhà đất Sài Gòn với nhiều công trình mang giá trị lịch sử
Thời xưa, dân Sài Gòn ai cũng biết đến câu nói "Đi tàu Chú Hỷ, ở nhà Chú Hỏa”. Bởi lẽ, chú Hỏa là trùm bất động sản, người chiếm lĩnh thị trường nhà đất lúc bấy giờ. Ông cũng là người góp phần to lớn tạo nên diện mạo “Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông”.
Hơn 30.000 căn nhà mặt phố của Chú Hoả trải khắp khu vực Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn. Bằng việc cho thuê nhà và đầu tư mảng xây dựng, ông đã nhanh chóng thành lập được công ty mang tên Hứa Bổn Hỏa và các con.
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, con đường sự nghiệp của gia đình ông phất lên "như diều gặp gió". Chú Hoả không chỉ dành tiền xây dựng các dinh thự hoành tráng cho gia đình, mà còn đầu tư xây những dãy phố, công trình công cộng như bệnh viện, khách sạn...
Chợ Bến Thành được khởi công xây dựng từ năm 1912 đến cuối tháng 3 năm 1914 thì hoàn tất. Ảnh tư liệu |
Ngày nay, nhiều công trình vẫn được sử dụng và mang lại giá trị lịch sử lớn như Bệnh viện Từ Dũ (trước là Bảo sanh viện Đông Dương - Maternité Indochinoise), Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (trước là Chẩn Y Viện)...
Cơ ngơi nổi tiếng của Hứa Bổn Hoả là căn biệt phủ có 99 cửa tại khu tứ giác đắc địa của Sài Gòn là phố Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette - Nguyễn Thái Bình. Tòa nhà được các hậu duệ nhà họ Hứa xây dựng, nhằm thực hiện ước nguyện có một căn nhà chung cho toàn bộ con cháu sinh sống của Chú Hoả.
Biệt phủ có 99 cửa. Ảnh: Baophapluat |
Căn biệt thự được thực hiện trong vòng 5 năm, do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Dinh thự nguy nga, có 4 tầng với lối kiến trúc cổ hòa hợp giữa hai trường phái Á – Âu. Đây cũng là nơi đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy - một trong những thứ xa xỉ bậc nhất Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Năm 1975, khi gia đình Chú Hứa chuyển sang nước ngoài định cư, toà nhà đã được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM.