Cứu sống bệnh nhi vỡ dị dạng động tĩnh mạch

(khoahocdoisong.vn) - Không chỉ thanh niên mà cả trẻ nhỏ cũng bị chảy máu nội sọ do vỡ dị dạng động tĩnh mạch (AVM). Phát hiện sớm dị tật bẩm sinh sẽ giúp người bệnh thoát khỏi đột quỵ và tử vong.

Một bệnh lý rất khó xử lý

Bệnh nhi nữ (10 tuổi) được chuyển đến từ Bệnh viện tỉnh Phú Thọ trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, tổn thương não rất khó xử lý. Bé được chẩn đoán chảy máu nội sọ do AVM bị vỡ. Các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ và Khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai đã hội chẩn nhanh chóng và tiến hành phẫu thuật cho cháu bé. Sau phẫu thuật chưa lâu, cháu đã tỉnh lại, giao tiếp tốt. Hiện cháu đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại Khoa Phẫu thuật thần kinh và sọ não.

Phim chụp sọ não của bệnh nhi.

Phim chụp sọ não của bệnh nhi.

PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, AVM là có sự nối thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch. Đây là một bệnh lý rất khó xử trí, một thách thức lớn đối với bác sĩ. Trong một tháng qua, Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận rất nhiều ca chảy máu nội so do AVM vỡ.

Tập phục hồi cho bệnh nhân sau đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai.

Tập phục hồi cho bệnh nhân sau đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai.

Dị tật bẩm sinh cần phát hiện điều trị sớm

PGS.TS Lê Văn Trường, Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, AVM là bệnh bẩm sinh, hình thành một đám rối mạch máu bất thường trong não, nối thông động mạch và tĩnh mạch não, không đi qua hệ mao mạch bình thường của não, không cấp máu cho nhu mô não, khi vỡ gây đột quỵ chảy máu não. 

AVM phát triển theo thời gian, tồn tại không triệu chứng trong nhiều năm và được phát hiện chủ yếu ở độ tuổi 45 trở xuống trong 3 tình huống: Chảy máu não (50 - 60%), đau đầu, động kinh (40 - 45%), hoặc tình cờ (5 - 10%). Một số bệnh nhân được phát hiện bệnh khá muộn (60 - 70 tuổi).

Can thiệp mạch cho bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.

Can thiệp mạch cho bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.

Khi chưa vỡ: Bệnh nhân có biểu hiện đau đầu mạn tính, điều trị nội khoa không khỏi, có những cơn co giật kiểu động kinh. Những trường hợp kích thước tổn thương dị dạng lớn có thể gây chèn ép não và thiếu máu não gây bại-liệt tay chân…

Khi bị vỡ: Gây đột quỵ chảy máu não đột ngột với các biểu hiện như đau đầu dữ dội, nôn, buồn nôn, tăng huyết áp, ý thức có thể bình thường, hoặc lơ mơ, thậm chí hôn mê, bại-liệt nửa người, khó nói hoặc không nói được…

Bệnh nhân AVM có nguy cơ bị vỡ hàng năm khoảng 2 - 4% (kể cả trẻ em) do vỡ khối dị dạng. Đây là biến chứng nặng nề nhất của bệnh.

Theo PGS.TS Lê Văn Trường, hiện nay, CT và MRI thế hệ mới đã là loại chẩn đoán hình ảnh phổ biến, ngoài chức năng chụp nhu mô não, còn chụp được cả hệ thống mạch máu não từ gốc đến ngọn (từ động mạch chủ trong lồng ngực, qua cổ và nền sọ lên đến đỉnh đầu), chi phí không quá cao (2 - 3 triệu đồng, chỉ bằng 1 - 2 lần kê đơn thuốc. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn còn ít được chỉ định khi bệnh nhân đã có triệu chứng nghi ngờ hoặc nghĩ nhiều đến khả năng bị bệnh mạch máu não, thậm chí đã bị đột quỵ... 

Vì thế, rất dễ bỏ sót AVM và đột quỵ nhẹ ở giai đoạn sớm, dẫn đến bỏ lỡ cơ hội điều trị cứu sống bệnh nhân và hạn chế di chứng nếu bệnh nhân chỉ được chụp não mà bỏ quên không chụp mạch máu não.

Người bệnh cần lưu ý, khi đã đi khám thần kinh vì nghi ngờ có bệnh trong não và được chỉ định chụp CT hoặc MRI não, thì cần yêu cầu chụp cả não và mạch máu não để phát hiện sớm bệnh.  

Chụp mạch não số hóa xóa nền (DSA) là cần thiết để đánh giá chi tiết hình thái cấu trúc dị dạng mạch máu não. Tùy theo mức độ bệnh lý để có thể điều trị theo 3 phương pháp:

Phẫu thuật mở: Mở hộp sọ, kẹp và cắt các mạch máu dị dạng.

Phẫu thuật tia xạ: Không mổ, dùng chùm tia xạ chiếu từ ngoài làm tổn thương các tế bào thành mạch bệnh lý, làm hẹp dần và tắc các mạch dị dạng.

Can thiệp nội mạch: Không mổ, dùng ống thông nhỏ đi qua động mạch đùi lên não, sử dụng chất gây tắc là keo (glue) hoặc onyx để bơm tắc dị dạng động tĩnh mạch qua ống thông (nút mạch).

Thông thường những dị dạng nhỏ < 3cm và cấu trúc đơn giản, có thể được điều trị triệt để bằng phương pháp nút mạch. Những dị dạng lớn hơn và cấu trúc phức tạp thường được điều trị phối hợp các phương pháp. Với các trường hợp này, các bác sĩ thường nút mạch trước để làm giảm bớt kích thước dị dạng, sau đó phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật tia xạ. Tùy tình trạng toàn thân và tổn thương của mỗi bệnh nhân, phương pháp và kế hoạch điều trị sẽ được lựa chọn một cách phù hợp nhất.

Theo VietnamDaily

Không đau ngực, đi khám phát hiện động mạch vành

Thực tế có một số trường hợp bị bệnh động mạch vành nhất là nhồi máu cơ tim mà không có cảm giác đau ngực rõ rệt. Hiện tượng này hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, bệnh nhân bị đái tháo đường, tăng huyết áp,..
back to top