Cuộc chiến giữ song thai cho sản phụ bị tử cung ngắn, ối thõng âm đạo

Hành trình làm mẹ vốn dĩ đã đầy gian nan, nhưng với chị C., nó còn là một cuộc chiến không ngừng nghỉ để giữ lại những mầm sống bé nhỏ trong bụng.

Mang thai đôi vốn đã là một điều đặc biệt, lại càng trở nên phức tạp khi ở tuần 22, chị được phát hiện cổ tử cung ngắn, ối thõng âm đạo.

Khi đến với Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, chị C. đã đặt trọn niềm tin vào đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm của khoa Sản bệnh A4. Tại đây, chị được theo dõi sát sao và điều trị bằng những phương pháp hiện đại và phù hợp nhất. Phương án xử trí được cân nhắc là cần đưa túi ối trở lại buồng tử cung sau đó tiến hành khâu vòng cổ tử cung.

Tuy nhiên việc khâu vòng cổ tử cung lúc này vô cùng khó khăn bởi có nguy cơ làm tổn thương màng ối dẫn tới vỡ ối cùng nhiều hệ lụy sau đó. Đứng trước lựa chọn quan trọng, Ths. BSCKII Trương Minh Phương – Phó khoa Sản bệnh A4 chọn cách giữ lại hy vọng cho thai phụ.

Ca phẫu thuật khâu vòng cổ tử cung mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng đã được thực hiện thành công nhờ tay nghề cao của Ths. BSCKII Trương Minh Phương và ekip.

Dù vậy, nhiệm vụ của các bác sĩ vẫn chưa dừng lại, thai nhi cần được theo dõi chặt chẽ nhằm giữ em bé lâu nhất có thể trong bụng mẹ và chào đời an toàn.

Cuộc chiến giữ song thai cho sản phụ bị tử cung ngắn, ối thõng âm đạo ảnh 1

Cuộc chiến giữ song thai cho sản phụ bị tử cung ngắn, ối thõng âm đạo

Tại Khoa Sản bệnh A4, chị được đón nhận bởi một không gian ấm áp và sự tận tâm của đội ngũ y bác sĩ. Những ngày tháng nằm viện tại khoa Sản bệnh A4 là quãng thời gian đầy lo lắng nhưng cũng chan chứa tình yêu thương.

Các y bác sĩ không chỉ là những người chữa bệnh mà còn là những người bạn, luôn đồng hành và động viên chị C. trong suốt quá trình điều trị. Chị cảm nhận được sự tận tâm, chu đáo của đội ngũ y tế, từ những bác sĩ chuyên môn cao đến những điều dưỡng nhẹ nhàng, ân cần.

Đến tuần 27, chị được phát hiện nhiễm vi khuẩn đa kháng kháng sinh nên được chuyển sang điều trị tại khoa Sản nhiễm trùng C3. Hai tuần sau, bác sĩ cấy dịch kiểm tra, kết quả xét nghiệm trở về âm tính nên chị lại tiếp tục hành trình giữ thai tại khoa Sản bệnh A4.

Mỗi ngày trôi qua đều là một thử thách, nhưng chị C. không hề nản lòng. Nhờ sự chăm sóc chu đáo của các bác sĩ và tinh thần lạc quan của bản thân, chị đã vượt qua được những khó khăn tưởng chừng như không thể.

Cuối cùng, chị có dấu hiệu chuyển dạ ở tuần 31, bác sĩ chỉ định tiêm trưởng thành phổi và thuốc bảo vệ não cho thai. 2 bé gái chào đời với cân nặng đồng đều 1300g, trộm vía các con hồng hào và có sức khỏe tốt. Hiện 2 con đang được các bác sĩ khoa Sơ sinh tận tình chăm sóc và điều trị.

Một thai kỳ an toàn và em bé sinh ra khỏe mạnh là điều mọi mẹ bầu đều mong muốn. Tuy nhiên, đối với trường hợp có nguy cơ cao trong thai kỳ, thai phụ cần được thăm khám cẩn thận với các bác sĩ chuyên gia giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại và phương pháp điều trị tiên tiến...

Theo Đời sống
back to top