Lạm phát tăng cao
Tại Việt Nam, có hai điểm cần lưu ý liên quan tới nỗ lực vừa dập dịch Covid-19 và vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Thứ nhất, tính tới thời điểm hiện tại, Thủ tướng vẫn yêu cầu giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 là không dưới 6,8%. Thứ hai, đồng thời với yêu cầu của Thủ tướng, NHNN dự kiến tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900 nghìn tỷ đồng đến 1,1 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng tín dụng từ 11 - 14% so với năm trước. Khoản tín dụng này bao gồm cả 300 nghìn tỷ đồng cộng gộp các gói cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất từ các ngân hàng đã công bố để chung tay hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Như vậy là, các thông tin về điều hành vĩ mô cho thấy không có biến động về mục tiêu tăng trưởng và biện pháp chủ chốt chặn đà suy giảm kinh tế. Trong khi đó, kết thúc quý 1/2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt 3,8%, thấp nhất trong 10 năm qua. Đồng thời, tất cả các dự báo của cơ quan chức năng và tổ chức thế giới đều cho thấy kinh tế Việt nam sẽ giảm tăng trưởng trong năm 2020.
Một cách tự nhiên, câu hỏi đặt ra là tới khi nào Chính phủ sẽ chính thức xác nhận hạ mục tiêu tăng trưởng? Trường hợp không hạ mục tiêu, công cụ nào sẽ giúp Việt Nam giữ được tăng trưởng trong năm 2020?
Trong năm 2019, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại rất lớn, có lúc lên tới 500 nghìn tỷ đồng, tương đương 8% GDP. Mặt khác, Việt Nam đang xác định đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, đặc biệt giải ngân đầu tư công, như là “quả đấm thép” duy trì tăng trưởng trong mùa dịch Covid-19. Chính phủ đã yêu cầu phải có giải pháp giải ngân bằng hết 700 nghìn tỷ đồng trong năm nay. Đây là con số lớn thứ hai bên cạnh quy mô tín dụng cho nền kinh tế mà NHNN đã công bố.
Mới đây, đại diện NHNN cho hay, dự trữ ngoại hối Việt Nam lại “phá đỉnh” và chạm mốc 84 tỷ USD, tăng 4 tỷ USD so với hồi đầu năm. Nếu tính với tỷ giá 23.200 VND/USD, thị trường đã được bơm thêm 93 nghìn tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2020.
Như vậy, cùng hàng loạt gói cam kết hỗ trợ khác, thị trường năm 2020 dự kiến sẽ hấp thụ khoảng gần 2 triệu tỷ đồng. Điều này khiến các ý kiến lo cho lạm phát không phải không có cơ sở. Khi lạm phát vượt qua vùng mục tiêu thì hầu như tác động rất xấu tới nền kinh tế. Tại Việt Nam, vùng mục tiêu lạm phát được đưa ra ở mức 4% trong nhiều năm qua.
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát tổng thể (CPI) tháng 3 và bình quân quý 1/2020 lần lượt tăng 4,87% và 5,56% so với cùng kỳ năm trước và ở mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây, vượt khá xa so với mục tiêu. Đáng lo hơn, lạm phát lõi, hay lạm phát cơ bản (Core CPI) cũng có dấu hiệu tăng tương ứng. Cụ thể, lạm phát cơ bản tháng 3 tăng 2,95% và bình quân quý 1/2020 tăng 3,05% so với thời điểm năm 2019, cách xa so với mức điều hành thông thường ở khoảng 2 - 2,5%.
Được biết, thành phần của chỉ số lạm phát cơ bản sẽ không bao gồm các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Ước tính, các mặt hàng trong rổ hàng hoá tính chỉ số lạm phát cơ bản chỉ chiếm 40% trong tổng các mặt hàng trong rổ hàng hoá tính CPI.
Do đó, việc tăng hay giảm của lạm phát cơ bản có mối tương quan trực tiếp với khối lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế. Nói cách khác, lạm phát cơ bản tăng cao thời gian vừa qua được hiểu là hiện tượng thừa tiền trong lưu thông.
Sẽ có cách ép giảm
Từ các số liệu trên có thể thấy một nghịch lý đang diễn ra, đó là tiền thừa dẫn tới lạm phát cao, nhưng thị trường vẫn phải hấp thụ một lượng tiền cực lớn. Trao đổi với KH&ĐS, một số chuyên gia tài chính cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng trên từ tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan.
Theo đó, năm 2019, NHNN đã bơm ra thị trường khoảng 450 nghìn tỷ đồng thông qua hoạt động mua 20 tỷ USD củng cố dự trữ ngoại hối. Độ trễ của dòng tiền này kéo dài và tác động lên lạm phát cơ bản, khi tiền được bơm chưa thể cân bằng với hàng hoá.
Sang nửa cuối tháng 2/2020, yếu tố khách quan xuất hiện là dịch Covid-19, doanh nghiệp bắt đầu cần đến sự hỗ trợ về vốn, ít nhất mang tính tạm thời để duy trì doanh nghiệp. Vòng quay tiền bị đình trệ, phía nhà điều hành buộc phải bơm thêm tiền.
Diễn biến trên thị trường liên ngân hàng thể hiện rõ điều đó, ở thời điểm chưa xuất hiện dịch Covid-19, khối lượng tiền bị hút lên tới 147 nghìn tỷ đồng, thời hạn tín phiếu kéo dài 91 ngày. Cho đến hiện tại, dù không hút thêm, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn phải hỗ trợ thêm cho thanh khoản hệ thống 24 nghìn tỷ đồng qua kênh cầm cố (OMO).
Còn các con số khổng lồ được công bố là yếu tố chủ quan. Vì thực chất, số liệu đang được phân bổ theo năm và nếu tính theo tỷ lệ % sẽ không hơn nhiều so với năm trước. Trong đó, tăng trưởng tín dụng 11 - 14% còn có phần thấp hơn năm 2019, trong khi giải ngân đầu tư công tăng từ 600 nghìn tỷ đồng lên 700 nghìn tỷ đồng, tăng 14%.
Thậm chí, các chuyên gia còn cho rằng, trong trường hợp bị ép phải hấp thụ hết, cơ quan quản lý vẫn có công cụ để điều tiết chỉ số lạm phát cho đúng mục tiêu đề ra. Trong đó, đầu tiên là công cụ NHNN vẫn thường xuyên sử dụng là van bơm hút tại thị trường mở (OMO) để thu hẹp hoặc nới rộng cung tiền trong quãng thời gian ngắn.
Công cụ thứ hai là giới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Trong nhiều năm qua, phía nhà điều hành thường giao chỉ tiêu tăng trưởng cho từng ngân hàng vào đầu năm và điều chỉnh vào quý cuối năm. Điều này sẽ làm giới hạn vòng quay sinh tiền.
Thứ ba là tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Công cụ này sẽ ép ngân hàng thương mại để lại một khoản tiền nhất định trên tài khoản thanh toán được mở tại NHNN. Cuối cùng, NHNN có thể phát hành trái phiếu bắt buộc. Với công cụ này, các ngân hàng thương mại sẽ phải sử dụng lượng tiền của mình để mua tín phiếu NHNN thay vì cho vay hoặc mua tài sản tài chính.
Như vậy, đối diện sức ép lạm phát khi tiền được bơm quá lớn, NHNN có đủ các công cụ để chủ động, linh hoạt kiểm soát, điều chỉnh cung tiền theo ý muốn. Tuy nhiên, đó vẫn là về lý thuyết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp về quy mô và thời gian hoàn toàn có thể khiến các biện pháp phòng ngừa về tài chính bị quá tải. Nói cách khác là lạm phát có thể bộc lộ và gây sức ép về lâu dài, thay vì chỉ là tác động trong ngắn hạn.