Lợi nhuận tăng bất thường
IPC là công ty 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TPHCM, có vốn điều lệ 2.926 tỷ đồng và tổng tài sản gần 6.000 tỷ đồng. Lĩnh vực hoạt động chính của IPC là kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng làm việc, kho bãi trong Khu công nghiệp, đầu tư phát triển về xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng tại TPHCM và các địa phương khác. IPC đã và đang thực hiện rất nhiều dự án quy hoạch cho các Khu Chế xuất, Khu công nghiệp và cụm dân cư, khu đô thị mới.
Ngày 3/12/2019, ông Phạm Phú Quốc - người đang là ĐBQH vừa bị phát hiện có 2 quốc tịch - được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc IPC, nhiệm kỳ 5 năm. Quyết định bổ nhiệm này do Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ký duyệt.
IPC trước khi được bàn giao cho ông Quốc có kết quả kinh doanh trồi sụt thất thường, và đặc biệt đi xuống trong năm 2019.
Sau 6 tháng dưới lãnh đạo của ông Quốc, IPC bất ngờ ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến 30/6/2020, IPC báo lãi sau thuế 663 tỷ đồng, bằng 95% số lãi thu về của cả năm 2019.
Đáng chú ý, mức tăng đột biến về lợi nhuận trong nửa đầu năm 2020 không đến từ doanh thu của công ty. Thậm chí, doanh thu 6 tháng đầu năm của IPC còn giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt 20 tỷ đồng từ việc cho thuê văn phòng làm việc. Điều này đặt nghi vấn những dự án mà IPC đang quảng bá rầm rộ trên website, hay báo cáo lạc quan liệu có đúng sự thật và có hiệu quả, đặc biệt khi nhiều mảng hoạt động chính của công ty có khi không mang về một đồng doanh thu và lợi nhuận nào?
Mặc dù khoản mục Doanh thu từ hoạt động tài chính của IPC tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng không quá nhiều với 49 tỷ đồng. Mà, khoản thu này chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng.
Đóng góp chính cho khoản lãi khủng trong 6 tháng qua của IPC là khoản thu nhập khác, đạt 644 tỷ đồng, tăng 243% so với cùng kỳ năm 2019, bằng 94% của cả năm 2019.
Các khoản thu nhập khác này chủ yếu đến từ Lợi nhuận được chia của các công ty liên doanh, liên kết. Cụ thể, IPC thu về 457 tỷ đồng lợi nhuận được chia từ Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (IPC sở hữu 30% vốn điều lệ của Phú Mỹ Hưng), 114 tỷ đồng từ Công ty TNHH Tân Thuận (IPC nắm giữ 31,5% cổ phần) và 28 tỷ đồng của Công ty TNHH Sepzone Linh Trung (IPC sở hữu 50%).
Tuy nhiên, theo BCTC riêng 6 tháng đầu năm của IPC, Công ty TNHH PT Phú Mỹ Hưng hiện đang nợ IPC 216 tỷ đồng. Công ty TNHH Tân Thuận (trực thuộc Thành ủy TPHCM) nợ IPC hơn 114 tỷ đồng.
Như vậy, lợi nhuận trong trường hợp này chỉ là lợi nhuận kế toán (lợi nhuận được phản ảnh trong giấy tờ kế toán), không phải là dòng tiền lợi nhuận thực chất thu về.
Có thể thấy, thời gian gần đây, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của IPC luôn mang giá trị âm do tăng các khoản phải trả, cũng như việc đầu tư bị thua lỗ. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận giá trị âm 63 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính là âm 282 tỷ đồng. Kinh doanh kém hiệu quả, IPC chỉ có thể trông chờ vào các khoản tiền lãi từ cho vay và cổ tức, lợi nhuận được chia.
Đầu tháng 7 vừa qua, IPC bất ngờ thay đổi kế toán trưởng. Và chỉ 6 tháng dưới lãnh đạo của ông Quốc, lợi nhuận của IPC đã tăng cao bất thường. Mặt khác, lợi nhuận ấy không đến từ hoạt động kinh doanh chính, mà đến từ các công ty liên doanh liên kết. Những chi tiết này không khỏi đặt nghi vấn về tính trung thực, minh bạch trong báo cáo tài chính của IPC.
Tại Công ty đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), chỉ một năm trước khi ông Quốc trở thành ĐBQH, kết quả kinh doanh công ty này đã tăng vọt bất thường và suy giảm mạnh trong những năm sau.
Nhà nước có thiệt hại?
IPC trong nhiều năm nay thu hút chú ý bởi một loạt sai phạm của nhiều cá nhân, lãnh đạo công ty về đất đai, cổ phần hóa công ty con không tuân thủ đúng quy định và các sai phạm sau cổ phần hóa gây thiệt hại ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, ông Tề Trí Dũng - Tổng Giám đốc tiền nhiệm của ông Phạm Phú Quốc - đã chịu trách nhiệm chính trong loạt sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại IPC, như cố ý làm trái, có dấu hiệu lợi ích nhóm, sai phạm thông qua việc chuyển nhượng dự án, cố tình làm sai để tăng vốn điều lệ tại IPC và các công ty con, liên doanh và liên kết.
Sau khi ông Tề Chí Dũng bị khởi tố và bắt giam, ông Phạm Phú Quốc được bổ nhiệm thay thế. Trong ngày trao quyết định bổ nhiệm ông Quốc giữ chức vụ Tổng Giám đốc IPC, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, đây là công ty Nhà nước lớn của TPHCM, có bề dày hoạt động và có đóng góp đáng kể cho Thành phố. Do đó, ông Phong mong muốn ông Quốc sẽ phát huy năng lực quản lý và trách nhiệm đưa IPC vượt qua khó khăn.
Giống như kịch bản đối với Công ty đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) trước đây, sau khi ông Quốc nắm quyền, bằng cách nào đó, lợi nhuận của IPC đã tăng đột biến một cách khó hiểu.
Al Jazeera (Kênh thông tin Nhà nước của Quatar) - nêu tên ông Quốc cùng một thứ trưởng người Nga bỏ tiền để mua tư cách "công dân Síp" (Cyprus), với giá 2,5 triệu USD mỗi hộ chiếu. Ông Quốc sau đó thừa nhận có hộ chiếu Síp, nhưng phủ nhận bỏ tiền mua, mà khẳng định do vợ con bảo lãnh cho để có hộ chiếu.
Sau khi thừa nhận có hộ chiếu Sip, mới đây ông Quốc đã làm đơn xin thôi tư cách ĐBQH và thôi chức vụ Tổng Giám đốc IPC. Chưa rõ, UBND TPHCM sẽ chỉ định ai thay thế doanh nhân - ĐBQH mang 2 quốc tịch trên. Tuy nhiên, UBND TPHCM trước tiên nên rà soát lại kết quả hoạt động những đơn vị đã "qua tay" ông Quốc lãnh đạo, để có thể xác tín được kết quả kinh doanh tại những nơi này không bị bóp méo, hay thậm chí là bị rút ruột.