Ngành ô tô Việt Nam từ lắp ráp đến sản xuất
Nhìn lại lịch sử phát triển của ngành ô tô, từ năm 1975 - 1990, công nghiệp ô tô Việt Nam rất kém phát triển, chủ yếu sản xuất phụ tùng thay thế và đóng xe khách trên sát-xi (chassis) ô tô tải. Năm 1991, liên doanh sản xuất ô tô đầu tiên được cấp phép là Công ty Liên doanh Ô tô Mekong. Sau đó hàng loạt các công ty liên doanh ô tô khác lần lượt ra đời nhưng vẫn không đạt nhiều thành tựu.
Giai đoạn từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, đã có những chuyển biến nhưng vẫn không đạt kỳ vọng.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện nay chi phí sản xuất ô tô trong nước cao hơn các quốc gia trong khu vực từ 10 - 20% khiến giá thành xe sản xuất trong nước chịu nhiều bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN, vốn đã có thị trường và ngành công nghiệp ô tô đi trước rất lâu; Các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ô tô hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài - phải chịu thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo hiểm… từ đó ảnh hưởng đến giá thành của xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Việt Nam đang phát huy mọi tiềm lực sẵn có để đẩy mạnh ngành sản xuất ô tô theo hướng tự chủ. Trong tương lai, nền công nghiệp xe hơi quốc nội sẽ phát triển bắt kịp tốc độ chung của toàn cầu.
Nhà máy sản xuất ôtô VinFast tại Khu công nghiệp Đình Vũ, huyện Cát Hải, Hải Phòng. (Ảnh: An Đăng)
Mục tiêu chung của “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến 2030” đã được Chính phủ nêu rõ: Sản xuất xe hơi là ngành tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Do đó, rất cần được khuyến khích phát triển bằng các chính sách nhất quán, ổn định và dài hạn để có thể đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Whatcar (admin mạng xã hội Whatcar.vn) cho biết, trong khi ngành công nghiệp ô tô được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp đi đầu, kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, nhưng lại chưa phát triển xứng đáng với tiềm năng sẵn có của nó. Để đạt được mục tiêu trên, cần có những chính sách cụ thể tạo động lực để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có những “bước chuyển mình” rõ rệt.
Lối đi nào cho ô tô từ lắp ráp đơn thuần sang sản xuất chủ động?
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, trên thế giới không một quốc gia nào có thể tự sản xuất tất cả linh kiện để tạo ra một chiếc xe hoàn chỉnh. Do vậy, các doanh nghiệp trong nước cần tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Mỗi doanh nghiệp sản xuất linh, phụ kiện không chỉ phục vụ các hãng xe đang sản xuất, lắp ráp trong nước mà cần phải có năng lực phục vụ cho thị trường toàn cầu.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Whatcar.
Hiện nay, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn phát triển ở quy mô khá khiêm tốn và chỉ đáp ứng được những chi tiết đơn giản, giá trị gia tăng không cao.
Tỷ lệ nội địa hóa của Toyota, mặc dù đã có mặt tại thị trường Việt Nam khá lâu, nhưng cho đến nay cũng chỉ có khoảng 10% chi tiết nội địa trên tổng thành chiếc xe. Hay như VinFast, hiện tại có khoảng trên 50 đầu mối cung cấp linh, phụ kiện nhưng chỉ có khoảng hơn 10 doanh nghiệp trong nước, còn các đầu mối hiện tại đều nước ngoài. Mặc dù, các công ty như HyunDai Thành Công hay Thaco đã có tỷ lệ nội địa hóa cao, nhưng các doanh nghiệp này vẫn đang sản xuất phục vụ chính mình là chủ yếu chứ chưa xuất khẩu được các chi tiết cấu thành ra thị trường thế giới.
Về vấn đề này, ông Thắng kiến nghị Nhà nước nên mở cửa và có những chính sách ưu đãi hợp lý đối với các doanh nghiệp, cụ thể là về mặt bằng và thuế cũng như tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn, từ đó tạo động lực và khuyến khích các doanh nghiệp này phát triển theo hướng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành nước có khả năng cung cấp các sản phẩm chất lượng cao cho ngành công nghiệp ô tô toàn thế giới.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 10/2022/NĐ-CP, quy định mức nộp lệ phí trước bạ mới. Trong đó, đáng chú ý nhất là mức nộp lệ phí trước bạ của ô tô điện chạy pin sẽ là 0% trong 3 năm tới. Ngoài ra, Quốc hội đã thông qua Dự án luật sửa đổi, trong đó có nội dung giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện chạy pin. Từ 1/3/2022 - 28/2/2027, ô tô điện chạy bằng pin loại chở người từ 9 chỗ trở xuống chịu mức thuế suất 3%. Trước đó, mức thuế thu nhập đặc biệt cho dòng xe này là 15%. Đây được xem là một chủ trương vô cùng nhạy bén và đúng đắn từ phía cơ quan quản lý, bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới.
Đánh giá về vấn đề này, theo ông Thắng, việc có những ưu đãi đặc biệt cho xe điện là vô cùng tốt, nhưng cũng cần công bằng cho tất cả. Dung lượng thị trường trong 10 năm tới tại Việt Nam cũng như trên thế giới thì xe chạy nhiên liệu hóa thạch vẫn còn khá lớn, do đó, ngoài chính sách đặc biệt cho xe điện, Chính phủ cũng cần có những cơ chế hợp lý cho các nhà sản xuất xe truyền thống. Chúng ta cần phát triển song hành, vừa “đi tắt đón đầu” nhưng cũng cần có thời gian và động lực để các doanh nghiệp thích nghi và chuyển đổi trạng thái.
Do vậy, ngoài ưu đãi trực tiếp cho các nhà sản xuất ô tô, Chính phủ cần quan tâm đặc biệt đến các doanh nghiệp phụ trợ. Đây được xem là mấu chốt để chuyển đổi trạng thái từ lắp ráp đơn thuần sang sản xuất chủ động.
Chính phủ luôn đặc biệt coi trọng và đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thay đổi quan điểm phát triển ngành ô tô, thay vì đặt ra những chỉ tiêu nội địa hóa không sát với thực tế, có cách tiếp cận hài hoà, theo hướng chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu cuối cùng là phát triển được ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng