Cổ phần hóa DNNN: Sẽ xử phạt những đơn vị "chây ỳ"

(khoahocdoisong.vn) - Đại diện Bộ Tài chính cho biết, sắp tới sẽ công bố danh sách các đơn vị chậm niêm yết, cổ phần hóa để gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Những đơn vị này nếu không có báo cáo đầy đủ nguyên nhân chậm thực hiện thì sẽ tiến hành xử phạt...

Tiến độ tiếp tục rất chậm

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tính tới hết quý 2 năm 2019, mới có 35/127 doanh nghiệp nhà nước trong danh mục được duyệt - thực hiện cổ phần hóa. 6 tháng đầu năm 2019 các DNNN thoái vốn được 2.092 tỷ đồng, thu về 3.831 tỷ đồng. Như vậy, tiến độ CPH các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra, số lượng doanh nghiệp còn phải CPH là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch.

Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp cho biết, về tình hình thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng thì năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 doanh nghiệp. Tính đến hết quý 2, có 9 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo quyết định 1232 thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng Công ty Viglacera với giá trị sổ sách 690 tỷ đồng, thu về 1.587 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến hết quý 2, đã thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị 4.549 tỷ đồng, thu về 8.765 tỷ đồng.

Đối với thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, ngoài quyết định số 1232/QĐ-TTg, lũy kế từ năm 2017 đến hết quý 2/2019, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco). Viettel thoái vốn 1.290 tỷ đồng tại Vinaconex là thương vụ thoái vốn lớn nhất nửa đầu năm 2019. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện thoái vốn tại 5 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 36 tỷ đồng, thu về 166 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã chuyển 30.000 tỷ đồng từ Quỹ vào Ngân sách nhà nước (NSNN), số còn phải chuyển về NSNN trong năm 2019 là 20.000 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến quý 2/2019, đã chuyển 185.000 tỷ đồng, còn phải chuyển 65.000 tỷ đồng từ Quỹ vào NSNN theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, quá trình CPH hiện nay vẫn đang có những tồn tại lớn. Đó là tiến độ CPH các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra, số lượng doanh nghiệp còn phải CPH hiện nay là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch. Còn 780 doanh nghiệp CPH phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra có 29 doanh nghiệp, với tổng số vốn nhà nước là 630 tỷ đồng, chưa được chuyển giao về SCIC...

Về nguyên nhân của tình trạng trên, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, hiện nay, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.

Thêm vào đó, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước.

Sau động viên là sẽ phạt 

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản phê bình các địa phương có tiến độ triển khai CPH chậm, trong đó nhắc nhở từng việc. Sau đó, các địa phương đều đã thể hiện quyết tâm sẽ thực hiện CPH quyết liệt trong thời gian tới.

Hiện nay, cơ chế, chính sách về CPH doanh nghiệp nhà nước đang tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình CPH. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động.

Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước CPH. Tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa cũng là nguyên nhân kéo dài thời gian thực hiện CPH.

Bên cạnh đó, đang có thực tế chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần đối với các doanh nghiệp đã CPH xong, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường. Đồng thời chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. Và hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm, sắp tới sẽ công bố danh sách các đơn vị chậm niêm yết, CPH để quy trách nhiệm của người đứng đầu. Hiện nay, Bộ Tài chính đã giao Ủy ban Chứng khoán rà soát danh sách các đơn vị này. Những đơn vị trong danh sách chậm triển khai nếu không có báo cáo đầy đủ nguyên nhân chậm thực hiện, thì sẽ tiến hành xử phạt. Thủ trưởng, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đôn đốc triển khai thực hiện CPH, thoái vốn, cơ cấu lại theo phương án đã được phê duyệt.

Đồng thời, Các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện CPH cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất lập phương án trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt, trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp CPH theo quy định. Các doanh nghiệp đã CPH thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Và phải bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC. Các doanh nghiệp đã CPH và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, thực hiện quyết toán công tác CPH, xác định số phải nộp/tạm nộp và thực hiện nộp về Quỹ theo quy định...

Theo Đời sống
Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép là một công cụ tài chính mạnh mẽ nhưng cần hiểu rõ để áp dụng đúng cách. Biết cách tận dụng, nó sẽ giúp người đầu tư đạt được lợi nhuận lớn theo thời gian.
Quý 3/2024, VNSteel (TVN) lỗ hơn trăm tỷ đồng

Quý 3/2024, VNSteel (TVN) lỗ hơn trăm tỷ đồng

Trong quý 3/2024, VNSteel ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.698 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp của VNSteel ghi nhận gần 138 tỷ đồng, giảm mạnh 22% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp co hẹp lại còn 1,58%.
back to top