Theo thông báo của Bộ Công Thương, Bộ đang tiến hành thanh tra toàn diện các hoạt hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại VEAM kể từ năm 2010 đến nay. Trong quá trình thực hiện thanh tra, Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ về sai phạm phát hiện trong quá trình thanh tra tại VEAM sang Bộ Công an. Bộ Công an đang thụ lý vụ việc và xử lý theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật.
Vừa qua, một số cơ quan báo chí có thông tin về các sai phạm tại VEAM. Do đó, trước khi có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng, Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông không đăng tải các nội dung liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh, công tác cán bộ,… của VEAM để tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động thanh tra, điều tra của cơ quan chức năng và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, quan hệ đối tác của VEAM. Khi các cơ quan chức năng ban hành kết luận về các nội dung liên quan, Bộ Công Thương sẽ thông báo rộng rãi để các cơ quan thông tấn, báo chí và dư luận được biết.
Trước đó, như báo chí thông tin, VEAM vừa bị Cục Hải quan TP. Hà Nội ra quyết định ấn thuế hơn 352 tỷ đồng với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, nội dung Quyết định là việc ấn định thuế với hàng hóa xuất khẩu do doanh nghiệp khai sai mã HS (một mã số dùng để phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu trên toàn thế giới), thuế suất của hàng hóa nhập khẩu. Số tiền thuế ấn định với VEAM là 352,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, năm 2018, VEAM bị đồn đoán về việc tài trợ cho lãnh đạo Bộ Công Thương đi nước ngoài lên tới 1,4 tỷ đồng. Đồng thời với các thông tin về sai phạm, một số cơ quan báo chí cũng nêu thông tin về việc xử lý thay thế Tổng giám đốc của VEAM là chưa trọn vẹn về quy trình.
Theo số liệu do VEAM công bố, năm 2018, Tổng công ty này đạt mức lợi nhuận rất cao: Lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 7.130 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước. Trong đó, phần lợi nhuận từ liên doanh, liên kết (chủ yếu từ Honda, Toyota, Ford) lên tới 6.849 tỷ đồng, tăng 32%.