Theo BS Ngô Thị Thu Hương, Giám đốc trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, bệnh lý tim mạch đã và đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, là gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, nhiều hơn cả bệnh lý ung thư, dù là ở các nước đã hay đang phát triển.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong liên quan đến bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.
Khác với nhiều bộ phận khác trong cơ thể, bệnh tim mạch thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng, khi phát hiện bệnh thì đã có nhiều biến chứng nặng.
Bệnh tim mạch là bệnh của trái tim, mạch máu bao gồm nhiều loại khác nhau như: tăng huyết áp, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp, suy tim, bệnh van tim, màng ngoài tim, cơ tim, bệnh động mạch chủ và các mạch máu ngoại biên...
Trong đó tăng huyết áp dẫn tới nhiều biến chứng khác nhau ở tim, não, thận, mắt, mạch máu, thậm chí có những biến chứng nặng, xảy ra đột ngột, có thể gây tử vong ngay lập tức cho người bệnh. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên 3 lần so với người không mắc bệnh.
Để ổn định huyết áp, bệnh cần được điều trị đúng, đủ hằng ngày, điều trị lâu dài và điều chỉnh liều định kỳ. Bên cạnh đó việc tích cực thay đổi lối sống là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa tiến triển của huyết áp, giảm số thuốc cần dùng.
Chuyên gia mách cách ổn định huyết áp để bảo vệ tim |
Dưới đây là 10 lời khuyên để bảo vệ một trái tim khỏe mạnh
1. Xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn.
2. Tập thể dục thường xuyên: mỗi ngày tập từ 30 – 60 phút sẽ giúp phòng chống các bệnh lý tim mạch.
3. Không hút thuốc lá (thuốc lá điện tử, thuốc lào), vì đây một trong những nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nhiều bệnh lý tim mạch khác.
4. Duy trì cân nặng hợp lý, cần giảm cân (nếu thừa cân) sẽ giúp giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên.
5. Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng các chỉ số mỡ máu (lipid máu), hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI).
6. Hạn chế uống rượu, bia: Vì đây là nguyên nhân gây ra tăng huyết áp và trọng lượng của bạn.
7. Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình, công sở và nơi công cộng.
8. Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc.
9. Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh.
10. Tránh căng thẳng, lo âu quá mức, cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và hiệu quả.
Khi phát hiện bản thân có nhiều yếu tố nguy cơ, bạn cần phải có kế hoạch thực hiện lối sống lành mạnh một cách tích cực hơn để cải thiện sức khỏe của mình.