Chuyên gia hiến kế ứng phó với biến động giá dầu

Thực trạng biến động giá xăng dầu liên tục thời gian gần đây đã tác động không nhỏ tới đời sống của người dân, doanh nghiệp... Theo các chuyên gia kinh tế, đảm bảo cung cầu nội địa ổn định, tăng cường chuỗi cung ứng là một trong những giải pháp để giúp nền kinh tế Việt Nam ổn định và phát triển.

Ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu

Tại Tọa đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” vừa diễn ra tại Hà Nội, đông đảo các chuyên gia cho rằng, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 doanh nghiệp chưa kịp phục hồi, nay lại bị chi phí tăng cao do giá xăng dầu.

Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho biết, trong bối cảnh các nền kinh tế đang tăng tốc mạnh mẽ, cộng thêm bất ổn địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng chưa thể giải quyết, giá xăng dầu đã từng tăng lên mức cao vượt xa mọi dự đoán trước đó. Mặc dù hiện tại giá nhiên liệu có phần giảm nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá nhiên liệu sớm được bình ổn, viễn cảnh tăng giá vẫn đang ở trước mắt.

Theo Tổng cục Thống kê, tại thị trường Việt Nam, giá xăng dầu tăng 10% sẽ khiến lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm phần trăm. Giá dầu ảnh hưởng tới giá các nguyên liệu đầu vào khác, trực tiếp tác động dây chuyền đến cả nền kinh tế.

Đặc biệt, thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và châu Âu đang đối mặt với mùa Đông khắc nghiệt sắp tới, nên các nước đang tăng cường dự trữ xăng dầu. Động thái này càng làm giá dầu có nguy cơ tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới, vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Trước thực trạng biến động không ngừng của giá xăng, dầu trong nước và thế giới, theo các chuyên gia, Việt Nam cần có những kịch bản ứng phó, để nền kinh tế giữ vững mức tăng trưởng ổn định, bền vững. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logisitics Việt Nam Lê Quang Trung cho rằng, giá xăng dầu tăng đột biến ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp nói chung và hệ thống vận tải hoạt động logistics; phí xăng dầu chiếm hơn 30% trong tổng chi phí cấu thành của logistics hiện nay.

Ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia cho rằng: “Giá dầu từ nay đến cuối năm 2022 có thể tăng nhẹ. Để đảm bảo nguồn cung điện, xăng dầu, thì chúng ta cần kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động không đúng quy định, chủ động phương án điều hành, tạo dư địa hỗ trợ giá xăng dầu trong trường hợp cần thiết.”

Theo ông Khôi, định lượng tác động của giá dầu thế giới tăng trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine cho thấy, với giả định giá dầu thế giới tăng 40 USD/thùng, cùng với (1) Rủi ro đầu tư tại Nga tăng 4 điểm %, tại Ukraine tăng 2 điểm % và tại EU tăng 0,5 điểm phần trăm; (2) Chi tiêu Chính phủ của EU cho các nước ngoài EU tăng 0,5% GDP; (3) Xuất khẩu của Nga và các nước phát triển trong EU giảm 30 điểm % năm 2022 và sau đó tăng về kịch bản cơ sở;

(4) Shock tỷ giá RUB trong hai năm 2022 và 2023; (5) Nhập cư từ Nga sang Ba Lan, Đức thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm lần lượt 0,38 điểm % và 0,84 điểm % so với tăng trưởng kinh tế trong trường hợp không có căng thẳng Nga - Ukraine xảy ra (KBCS); lạm phát tại Việt Nam tăng thêm 1,8 điểm % trong năm 2022 và 1,62 điểm % trong năm 2023.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Đi tìm giải pháp

Để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng quốc gia, Việt Nam cần có một chuỗi cung ứng mạnh mẽ với hệ thống các kho dự trữ chiến lược quốc gia về dầu mỏ. Điều này sẽ giúp Việt Nam chủ động ứng phó với các biến động giá dầu bất thường của thế giới.

Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ KH&ĐT) Lê Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và đã thu được một số kết quả tốt.

Tuy nhiên, để có thể thích ứng với chi phí xăng, dầu tăng, ngoài việc điều chỉnh giá bán một số sản phẩm cho phù hợp, doanh nghiệp cũng nên triển khai thực hiện đồng thời một số giải pháp như: Tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu ở mức tối đa nhằm có thể giảm bớt một phần chi phí, tăng cường quản lý, giám sát quá trình sản xuất kinh doanh chặt chẽ hơn, hạn chế thất thoát; đàm phán với đơn vị vận chuyển (xe thuê ngoài) để không tăng cước vận chuyển quá cao; tìm kiếm thêm các nhà cung cấp nguyên vật liệu khác để có chất liệu tốt, giá thành biến động ít nhất; đầu tư cải tiến dây chuyền để cải thiện môi trường làm việc và tăng năng suất để hạn chế chi phí đội giá thành sản phẩm.

Tại hội thảo, chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại & Cung ứng dầu thô, Thị trường toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản) cũng đưa ra những bài học kinh nghiệm ứng phó trong bối cảnh bất ổn về nguồn cung và về giá xăng dầu trên thế giới, mức độ ảnh hưởng đối với Idemitsu Kosan và các hoạt động tại Việt Nam.

Ông Kenya cho biết, nhu cầu dầu thô toàn cầu trong trung và dài hạn dự kiến sẽ tăng. Dựa trên các kế hoạch mở rộng hoặc đóng cửa từ các nhà máy lọc dầu trong khu vực châu Á, chúng tôi dự đoán, khả năng cung cấp các sản phẩm từ xăng dầu trong trung và dài hạn sẽ không thoả mãn được nhu cầu tăng trưởng.

“Để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng (ngay cả trong thị trường không có triển vọng ổn định trong tương lai), cần phải thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu, từ thu mua các nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến bán hàng và tiêu dùng”- ông Kenya chia sẻ.

Với vai trò là trung gian giữa bên mua và bên bán, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc, Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đã đưa ra những phân tích về những hoạt động doanh nghiệp có sự tương hỗ với những thay đổi về lên xuống của giá xăng dầu - một nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất của doanh nghiệp, và đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp để bình ổn sản xuất trong bối cảnh giá dầu bấp bênh.

Theo ông Dũng, trên thế giới, các doanh nghiệp xăng dầu thường dùng các công cụ bảo hiểm giá, thông qua các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, để chốt giá nhập khẩu, xuất khẩu theo chu kỳ vài tháng, thậm chí vài năm. Điều này khiến giá đầu vào và đầu ra được ổn định, và khi giá biến động, họ có nhiều “room” để điều tiết thị trường hơn. Vì thế, ông Dũng đề xuất Việt Nam sớm đồng bộ các chính sách của các Bộ ban ngành, để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể tự tin sử dụng các công cụ bảo hiểm giá một cách hiệu quả.

Theo Đời sống
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
back to top