Chuyến bay giải cứu: Kẻ khóc xin giảm án tử, người ví mình “tội đồ”

Cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế xin được hưởng mức án tù thay vì tử hình, trong khi cựu Phó Chủ tịch TP Hà Nội nói mình trở thành tội đồ của thành phố.
Cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế xin được hưởng mức án tù thay vì tuyên tử hình
Ngày 18/7, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 54 bị cáo trong đại án "chuyến bay giải cứu".
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị VKS cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất, lên tới 253 lần với tổng số tiền 42,6 tỷ đồng, thủ đoạn phạm tội trắng trợn nhất và là bị cáo duy nhất trong vụ án bị đề nghị xử phạt mức án tử hình về tội nhận hối lộ.
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Phạm Trung Kiên thừa nhận hành vi phạm tội, bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi. Bị cáo Kiên gửi lời xin lỗi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân về những sai phạm của mình.
Chuyen bay giai cuu: Ke khoc xin giam an tu, nguoi vi minh “toi do”
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế
Bị cáo Kiên khẳng định, không gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình xét duyệt các chuyến bay đưa công dân về nước, cũng không ép buộc doanh nghiệp phải chi tiền cho mình thì mới được cấp phép chuyến bay. Kiên cho rằng nhiều doanh nghiệp chủ động gặp mình để đưa tiền cảm ơn chứ không phải do bị cáo ép buộc họ đưa tiền.
Kiên cũng dẫn chứng một loạt đại diện các doanh nghiệp và cho rằng, họ đều chi tiền cho mình sau khi đã được Bộ Y tế phê duyệt chuyến bay, chứ trước đó bị cáo không gợi ý hay quát tháo, ép buộc gì.
Về số tiền 15 tỷ đồng liên quan đoàn khách lẻ, theo lời bị cáo Kiên, khi bị cáo nhận thức được hành vi của mình liên quan chuyến bay combo thì đã chủ động khai báo. Sau khi nhận tội, trước khi phiên tòa được mở, bị cáo cũng tích cực phối hợp với Cơ quan điều tra.
Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nói thời điểm phạm tội, ngay khi dịch bùng phát ở Hà Nội và các tỉnh khác, bị cáo thường xuyên tháp tùng Thứ trưởng đi công tác, đến các vùng có dịch…Do vậy, bị cáo bị cuốn vào guồng công việc, không nhận thức được hành vi sai trái của mình khi nhận tiền của các doanh nghiệp.
Bị cáo Kiên hứa, sẽ động viên gia đình khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ để mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Đáng chú ý, bị cáo Kiên vừa khóc, vừa mong Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng mức án tù thay vì tuyên tử hình như đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát, để bị cáo có cơ hội được trở về đoàn tụ với gia đình, người thân.
Tại phiên tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên cung cấp cho Hội đồng xét xử chứng cứ mới là vợ bị cáo Kiên đã nộp thêm số tiền 8 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Ngoài ra, gia đình bị cáo Kiên có đơn gửi Hội đồng xét xử thông tin về tài sản là căn hộ ở Khu đô thị Royal City (Hà Nội), với mong muốn được cơ quan tố tụng phát mại để khắc phục hậu quả vụ án. Trước đó, bị cáo Kiên và gia đình đã khắc phục số tiền 15 tỷ đồng. Đến nay, bị cáo Kiên và gia đình đã khắc phục được 35 tỷ đồng trong tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ.
Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam “lẩy Kiều”
Tại phần tranh luận, bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận hành vi sai phạm như cáo trạng đã nêu. Với hành vi nhận hối lộ 5 tỷ đồng, bị cáo Tân bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt từ 8 - 9 năm tù.
Khi tự bào chữa tại tòa, bị cáo Tân cho biết, lần đầu nhận tiền của doanh nghiệp, bị cáo đã biết mình sai rồi. Những lần sau thì họ nói là tặng quà sinh nhật, lễ Tết nên bị cáo nhận.
Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói rằng, về lý thì bị cáo sai, nhưng về tình thì bị cáo không gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Trong lúc phân trần, bị cáo Tân nảy thơ: “Bàn tay trót đã nhúng chàm/Vậy rồi dừng lại biết làm sao đây?”.
Chuyen bay giai cuu: Ke khoc xin giam an tu, nguoi vi minh “toi do”-Hinh-2
Bị cáo Trần Văn Tân.
Nói về hành vi nhận hối lộ, bị cáo Tân cho rằng, mỗi lần gặp bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty BlueSky, bị cáo đều dặn cần phải thực hiện tốt việc chăm lo cho đời sống công dân.
“Khi công dân về đến nơi phải có nơi cư trú, hỏi xem quê quán ở đâu, ăn ở thế nào. Nếu công dân về nước gặp khó khăn thì cơ sở khách sạn không được nhận tiền, không được nâng giá, chèn ép”, bị cáo Tân kể lại những điều đã nói với bị cáo Hằng.
Theo lời bào chữa của bị cáo Tân thì bị cáo từng dặn bị cáo Hằng, không được gửi quà cho bị cáo.
Trước khi dừng lời tự bào chữa, bị cáo Tân mong Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo tình tiết ăn năn, thành khẩn khai báo ngay từ ban đầu, tích cực khắc phục hậu quả vụ án. Từ đó, cho bị cáo được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
“Tôi trở thành tội đồ của thành phố”
Với hành vi nhận hối lộ số tiền hơn 2 tỷ đồng, bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt từ 4 - 5 năm tù.
Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Chử Xuân Dũng thừa nhận sai phạm và kể lại những đóng góp của bản thân cho công tác chống dịch của Hà Nội.
Ông Dũng khai, thời điểm dịch, ông có nhiều việc nên chỉ tiếp xúc với ông Tuấn (Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Thái Hòa) một lần qua người quen dẫn đến, sau đó không gặp, không liên lạc và không nhớ tên công ty cũng như tên ông Tuấn. Tương tự đối với bà Ngọc Anh (Lê Thị Ngọc Anh - cán bộ Vụ Lễ tân, Ban Đối ngoại Trung ương), ông Dũng cũng không nhớ tên công ty người này đề xuất, mà cấp dưới trình ký theo quy định.
Chuyen bay giai cuu: Ke khoc xin giam an tu, nguoi vi minh “toi do”-Hinh-3
Bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Ông Dũng phản bác lời khai của bị cáo Ngọc Anh rằng "được doanh nghiệp trả công theo chuyến". Bởi theo bị cáo này, lời khai của Ngọc Anh khiến ông ấm ức, khó chịu. “ Ngọc Anh còn phải cậy nhờ quan hệ, hứa hẹn nhiều lần mới được gặp bị cáo một lần. Sau đó bị cáo đã tin vào lời nói khéo léo của Ngọc Anh để nhận tiền”, bị cáo Dũng khai.
“Cá nhân Ngọc Anh đưa tiền thì đã là phạm tội, kể cả phạm tội thì cũng cần trung thực, phải là người tử tế, đàng hoàng. Mình không nói xấu người khác, nói xấu người khác mình xấu hơn người ta nhiều", bị cáo Dũng nói.
Theo ông Dũng, khi làm việc với cơ quan điều tra, ông không thể nhớ nổi "đã nhận bao nhiêu tiền, nhận như thế nào", phải nhờ điều tra viên làm rõ giúp. Nhưng cuối cùng, do quá mệt mỏi, bị cáo này đã chấp nhận số tiền nhận hối lộ.
Trình bày thêm tại tòa, bị cáo Dũng nói rằng, bản thân xác định mình có tội và rất "đau đớn" khi phải đứng tại tòa hôm nay. Quá trình tham gia chống dịch, theo ông Dũng, ông không từ nan bất kỳ điều gì, từ sớm đến đêm và đã góp một phần nhỏ trong việc khống chế dịch Covid-19 của Hà Nội.
"Hôm nay đứng ở đây, tôi trở thành một tội đồ của thành phố, tội đồ trong công tác phòng, chống dịch…, trở thành người phạm tội. Lợi dụng dịch bệnh để phạm tội là tình tiết tăng nặng, rất đau xót", bị cáo Dũng nói.
Cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội mong hội đồng xét xử cùng các cơ quan tố tụng mở lượng khoan hồng để mình giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội và sớm trở về tiếp tục đóng góp.
Trong phần tranh luận, luật sư của bị cáo Chử Xuân Dũng đã đưa ra các căn cứ, luận cứ bào chữa cho thân chủ, đồng thời đề nghị HĐXX xem xét hành vi và bối cảnh thời điểm đó để giảm nhẹ hình phạt dưới mức đề nghị của đại diện VKS trước đó.
Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, bào chữa cho bị cáo Chử Xuân Dũng cho biết, hoàn toàn đồng thuận với quan điểm luận tội của đại diện Viện Kiểm sát, nhưng luật sư mong Tòa xem xét về bối cảnh phạm tội của bị cáo Dũng, đề nghị xem xét thêm mức độ hành vi, bởi theo luật sư, bị cáo Dũng không làm trái quy định và chủ trương yêu cầu cách ly.
Bào chữa cho bị cáo Dũng, Luật sư Trịnh Văn Tuyến cho biết, việc nhận tiền của bị cáo Dũng là thụ động “đưa bao nhiêu, biết bấy nhiêu”.
Theo luật sư Tuyến, thân chủ của mình không hề có sự thỏa thuận, yêu cầu hay gây khó dễ để doanh nghiệp phải chung chi tiền bạc trong việc ký ban hành văn bản chấp thuận chủ trương cho công dân về nước cách ly tại Hà Nội.
Luật sư Tuyến cho rằng, tại phiên tòa sáng 14/7, khi trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho Trần Minh Tuấn, bị cáo Dũng đã khái quát hành vi phạm tội của mình rằng: “Nếu không phải là người quen gửi quà cảm ơn thì chắc chắn tôi đã không phải đứng trước phiên tòa này”.
Luật sư Tuyến cho rằng, điều đó càng cho thấy, mặc dù bị cáo Dũng nhận thức được việc nhận tiền cảm ơn là sai trái nhưng lại không nhận thức được một cách đầy đủ, đúng đắn cũng như tính chất nghiêm trọng của hành vi nhận tiền liên quan đến việc duyệt chủ trương cách ly. Luật sư này đề nghị HĐXX xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo và khách quan hơn nữa, toàn diện hơn nữa về hành vi phạm tội của bị cáo Chử Xuân Dũng.

>>> Mời độc giả xem video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ


Theo Đời sống
back to top