Bộ Công Thương vừa có văn bản số 89/BCT-ĐL gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc thực hiện các thỏa thuận với điện mặt trời áp mái. Theo đó, Bộ Công Thương đã đồng ý với đề xuất của EVN về việc tiếp tục nhận và giải quyết các yêu cầu bán điện từ các dự án điện mặt trời áp mái, thực hiện xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện giao nhận nhưng chưa thực hiện việc thanh toán tiền điện cho đến khi các cơ quan thẩm quyền có hướng dẫn chính thức.
Nguyên nhân của việc chưa thanh toán là do đến nay, Chính phủ vẫn chưa phê duyệt cơ chế mua giá điện mặt trời mới, thay thế cho cơ chế cũ được quy định tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg đã hết hạn vào ngày 1.7.2019 vừa qua.
Theo đó, để khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển của các dự án điện mặt trời, Quyết định 11 đồng ý mua điện với giá 9,35 Uscent/kWh (2.156 đồng/kWh). Ở mức giá ưu đã này, đã có nhiều chủ đầu tư xin làm các dự án điện mặt trời, hệ quả gây phá vỡ quy hoạch điện. Do đó, từ sau khi Quyết định 11 hết hiệu lực, Chính phủ vẫn băn khoăn về mức giá mua điện mặt trời.
Tờ trình số 10170/TTr-BCT của Bộ Công Thương đề nghị giá bán điện của các hệ thống điện mặt trời mái nhà là 1.916 đồng/kWh, tương đương 8,38 Uscent/kWh. Tuy nhiên đến nay, cơ chế khuyến khích này chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc chưa có cơ chế giá điện mặt trời mới cũng đã làm thị trường điện mái nhà chững lại.
Trong khi đó, với tinh thần huy động tối đa có thể từ nguồn điện mặt trời mái nhà Bộ Công thương đã cho phép EVN đấu nối, nhận điện mặt trời áp mái. Bộ Công Thương cũng chỉ đạo EVN và các đơn vị lưu ý đảm bảo các hệ thống điện mặt trời mái nhà đấu nối vào hệ thống điện quốc gia tuân thủ đúng quy định của pháp luật và không gây quá tải lên hệ thống điện hiện hữu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị thông báo rõ với các nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư phải tự chịu rủi ro về sự thay đổi (nếu có) so với đề xuất điện mặt trời trên mái nhà có trong Dự thảo mà Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ tại tờ trình 10170/TTr-BCT ngày 31/12/2019.