Bộ LĐTBXH đã lấy xong ý kiến 15 bộ ngành, cơ quan ngang bộ, 12 hiệp hội doanh nghiệp và 63 địa phương về dự thảo nghị định điều chỉnh lương tối thiểu từ ngày 1/7.
Sau khi tổng hợp góp ý, dự thảo giữ nguyên đề xuất tăng lương tối thiểu thêm 6% từ ngày 1/7, tương ứng 180.000-260.000 đồng so với hiện hành.
Nếu được thông qua, lương tối thiểu lần lượt vùng I là 4,68 triệu; vùng II 4,16 triệu, vùng III 3,64 triệu và vùng IV 3,25 triệu đồng. Mức hiện hành dao động 3,07-4,42 triệu đồng, giữ nguyên từ đầu năm 2020 đến nay.
Lương tối thiểu giờ được đề xuất áp dụng cùng thời điểm, với mức tương ứng vùng I là 22.500 đồng; vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và vùng IV là 15.600 đồng. Lần đầu tiên, dự thảo đưa loại hình lương mới này vào nhằm triển khai quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ tháng 1/2021.
Theo Bộ LĐTBXH, việc giữ nguyên đề xuất là do cách quy đổi mà Bộ đưa ra đã tham khảo các cách quy đổi trên thế giới và hướng đến bảo vệ người lao động.
Còn cách tính thêm hệ số bổ sung vào lương tối thiểu giờ sẽ bù đắp chế độ mà lao động làm việc bán thời gian, không được hưởng so với lao động hưởng lương tháng, như nghỉ lễ, Tết hàng năm... Song luật hiện hành không phân biệt chế độ giữa hai loại hình hưởng lương trên nên không có căn cứ để tính thêm hệ số.
Mặt khác, nếu tính thêm hệ số, người lao động dễ dịch chuyển từ hưởng lương tháng, làm việc trọn thời gian sang hưởng lương giờ khiến quan hệ lao động bị xáo trộn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, khó mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội.
Về thời gian áp dụng mức lương tối thiểu tháng, Bộ giữ nguyên đề xuất áp dụng từ 1/7/2022. Cụ thể, thời điểm tăng và mức tăng 6% đã được phần lớn thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất sau hai phiên họp.
Phân chia vùng cũng sẽ có một số điều chỉnh, trên cơ sở cập nhật lại một số địa bàn sau khi sắp xếp lại địa giới hành chính và theo đề nghị của UBND các tỉnh.