Luật nghiêm cấm
Nhiều đối tượng lợi dụng hình thức cho thuê lưu trú theo giờ, ngắn ngày tại các căn hộ chung cư cao tầng ở TPHCM để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao… Tháng 4/2020, Công an quận 4 (TPHCM) đã phát hiện nhiều nhóm đối tượng thuê căn hộ chung cư để sử dụng ma túy, bay lắc và mua bán dâm. Cử tri TPHCM đã kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, giải thích rõ các quy định liên quan đến việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày và chế tài xử lý cụ thể.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Xây dựng cho biết, pháp luật về nhà ở đã có quy định với hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Luật Nhà ở 2014 đã quy định: Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm. Đồng thời nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.
Còn tại Điều 35 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý sử dụng nhà chung cư như tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; gây tiếng ồn quá mức quy định của pháp luật hoặc xả rác thải, nước thải, chất độc hại không đúng quy định của pháp luật…
Tuy nhiên, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, việc người dân có nhà, không có nhu cầu ở cho thuê là chuyện bình thường, miễn là họ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo pháp luật quy định. “Luật và các công cụ đều phải dựa trên tình hình thực tế thị trường, trừ khi những vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng thì nên cấm. Còn các vấn đề liên quan đến an cư lạc nghiệp, chỗ ở thì nên kiểm soát tốt thay vì cấm” - ông Khương nêu quan điểm.
Căn hộ cho thuê ngắn hạn tại TPHCM. |
Thực tiễn sinh động
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, để quản lý hiệu quả, Bộ Xây dựng nên tìm ra một giải pháp phù hợp nới lỏng một phần quy định này, để kích cầu du lịch sau khi đại dịch Covid-19 đi qua. “Thay vì cấm, thì nên để tồn tại và phát triển, Nhà nước phải tìm kiếm giải pháp và đưa vào luật để quản lý cho tốt, tránh các hệ lụy phát sinh. Đặc biệt là tránh bị thất thu thuế từ những người đang kinh doanh trong lĩnh vực này” - ông Đính nói.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng cho rằng, nên công nhận hoạt động cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn là hoạt động kinh doanh hợp pháp, nhưng cần có quy định quản lý. Theo HoREA, thuê nhà theo hình thức "chia sẻ phòng thuê" có thời hạn cho thuê ngắn, trong đó có cho thuê căn hộ chung cư, là phương thức cho thuê nhà mới, sử dụng dịch vụ Airbnb, phù hợp với "nền kinh tế chia sẻ".
“Phương thức này chắc chắn sẽ còn phát triển rất mạnh trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ số. Do vậy, không thể tiếp tục quản lý theo kiểu "tư duy cũ, không quản được thì cấm", mà cấm cũng không được, vì đây là nhu cầu thực tế của cuộc sống, có cầu tất có cung" - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
HoREA cho rằng, phương thức kinh doanh cho thuê nhà, phòng ở dưới dạng chia sẻ qua dịch vụ Airbnb có triển vọng tăng trưởng cao trong tương lai. Hiện nay, dịch vụ Airbnb được sử dụng phổ biến trên nhiều quốc gia nên việc cho phép Airbnb hoạt động ở Việt Nam sẽ có tác động tích cực đến việc thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước, nhất là đối tượng có thu nhập không cao, muốn tiết kiệm chi phí lưu trú. Bên cạnh đó, sử dụng dịch vụ Airbnb đảm bảo tính tiện lợi, bên cho thuê và bên thuê giao dịch, nhận nhà, trả nhà, thanh toán tiền đều qua mạng, không cần phải gặp trực tiếp. Ngoài ra, phương thức chia sẻ phòng thuê ngày còn giúp khai thác hiệu quả tài sản nhà ở, nhất là các phòng ở dôi dư, hoặc các căn hộ trong khu vực có nhiều khách vãng lai, khách du lịch.
Năm 2018, HoREA đã có báo cáo Bộ Xây dựng về phương thức kinh doanh cho thuê nhà ngắn dưới hình thức "chia sẻ phòng thuê", sử dụng dịch vụ Airbnb, mà Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chưa tiên lượng nên chưa có khung pháp luật để điều chỉnh. Vì vậy, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, công nhận dịch vụ cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn (theo giờ, buổi, ngày, vài ngày, hoặc 1 - 2 tuần…) là hoạt động kinh doanh hợp pháp. Đồng thời, quy định người cho thuê nhà, cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo quy định pháp luật; quy định thời gian mà người cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn được hoạt động kinh doanh cho thuê.
HoREA cũng đề nghị xem xét phương án quy định người cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn, có nghĩa vụ đóng góp (bổ sung) kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, do hoạt động kinh doanh này có thể làm gia tăng khối lượng công tác và trách nhiệm của Ban quản trị và đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư.
Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch & Dịch vụ lữ hành Hương Việt thì cho rằng, hoạt động kinh doanh “chia sẻ phòng thuê” này hiện còn nhiều bất cập, nhưng lại là cơ hội cho những người mua nhà đầu tư cho thuê lại. Thời điểm dịch bệnh, khách thuê dài hạn không cứu nổi sự xuống giá của thị trường, trong khi nhu cầu thuê ngắn hạn từ người nước ngoài, khách du lịch vẫn rất cao.
“Cái được là mô hình trên tạo điều kiện để nhiều người có thể đi du lịch với chi phí rẻ, trải nghiệm độc đáo. Nó góp phần đa dạng hóa các hình thức lưu trú dành cho du khách tại Việt Nam, giảm gánh nặng cho điểm đến, nhất là trong những ngày cao điểm du lịch. Thay vì cấm kinh doanh, Bộ Xây dựng nên đưa ra giải pháp để đáp ứng nhu cầu của thị trường một cách tối ưu, gia tăng phương thức quản lý cũng như không bị thất thu thuế”, bà Hương nói.