Từ ngày 10/10, Thông tư số 13/2022 của Bộ TT-TT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông có hiệu lực.
Thông tư quy định rõ cách xếp lương các chức danh nghề nghiệp viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông được áp dụng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước theo Nghị định 204/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo đó, chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng I, phóng viên hạng I, biên dịch viên hạng I, đạo diễn truyền hình hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00. Với mức lương cơ bản hiện nay là 1,49 triệu đồng thì nhóm này có mức lương từ 9,238 triệu đồng đến 11,92 triệu đồng.
Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng II, phóng viên hạng II, biên dịch viên hạng II, đạo diễn truyền hình hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78, tương ứng với mức lương từ 6,556 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng.
Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng III, phóng viên hạng III, biên dịch viên hạng III, đạo diễn truyền hình hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98, tương ứng với mức lương từ 3,4866 triệu đồng đến 7,4202 triệu đồng.
Như vậy mức lương cao nhất với biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông chưa đến 12 triệu đồng và thấp nhất là gần 3,5 triệu đồng.
Đã 3 năm qua, lương cơ sở vẫn giữ mức 1,49 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Hà |
Từ 6/10, các ngạch công chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ được xếp lương theo quy định tại Thông tư số 08/2022 của Bộ NN-PTNT.
Theo đó, các ngạch công chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước theo Nghị định 204/2004 của Chính phủ.
Cụ thể ngạch kiểm lâm viên chính, kiểm ngư viên chính, thuyền viên kiểm ngư chính được áp dụng hệ số lương công chức từ 4,40 đến hệ số lương 6,78. Tương ứng mức lương cơ sở hiện nay 1,49 triệu đồng thì mức lương của công chức ngạch này từ hơn 6,5 triệu đến hơn 10,1 triệu đồng.
Ngạch kiểm dịch viên chính động vật, kiểm dịch viên chính thực vật, kiểm soát viên chính đê điều được áp dụng hệ số 4,00 đến hệ số lương 6,38; tương ứng mức lương từ 5,96 đến hơn 9,5 triệu đồng.
Ngạch kiểm dịch viên động vật, kiểm dịch viên thực vật, kiểm soát viên đê điều, kiểm lâm viên, kiểm ngư viên, thuyền viên kiểm ngư được áp dụng hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; tương ứng mức lương từ gần 3,5 triệu đến 7,4 triệu đồng.
Ngạch kỹ thuật viên kiểm dịch động vật, kỹ thuật viên kiểm dịch thực vật, kiểm soát viên trung cấp đê điều, kiểm lâm viên trung cấp, kiểm ngư viên trung cấp, thuyền viên kiểm ngư trung cấp được áp dụng hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06; tương ứng với mức lương từ 2,7 triệu đến gần 6,05 triệu đồng.
Cũng trong tháng này, các quy định xếp lương viên chức chuyên ngành lưu trữ sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10 theo thông tư số 07/2022 của Bộ Nội vụ.
Cụ thể, đối với chức danh nghề nghiệp lưu trữ viên trung cấp, lưu trữ viên trình độ trung cấp được xếp bậc 1 có hệ số lương là 1,86 (2,7 triệu đồng); bậc 2 hệ số lương là 2,06 (gần 3,07 triệu đồng).
Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp lưu trữ viên có trình độ đào tạo đại học được xếp bậc 1 hệ số lương 2,34 (gần 3,5 triệu), có trình độ đào tạo thạc sỹ được xếp bậc 2 thì hệ số lương 2,67 (gần 4 triệu đồng), có trình độ đào tạo tiến sĩ được xếp bậc 3 hệ số lương là 3,00 (4,47 triệu đồng).
Mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng được áp dụng từ năm 2019. Mặc dù tại kỳ họp cuối năm 2019 Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2020.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sau đó Quốc hội đã quyết định hoãn tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng từ 1/7/2020 và vẫn giữ mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng từ năm 2019 cho đến nay.
Hiện nay tình hình kinh tế đã phục hồi, nhiều ý kiến cử tri cũng như ĐBQH đề nghị tăng lương cơ sở để đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức.
Trả lời ý kiến của cử tri Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại kỳ họp thứ tư dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 tới đây, Quốc hội sẽ bàn vấn đề tiền lương.
“Trong điều kiện chưa thể cải cách căn bản tiền lương được nên chăng cũng cần điều chỉnh, tăng lương cơ sở. Mức độ, liều lượng, thời gian điều chỉnh cụ thể như thế nào Quốc hội sẽ bàn kỹ với Chính phủ để báo cáo Trung ương có quyết sách về vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng vừa cho biết, Bộ Nội vụ cùng các bộ ngành liên quan sẽ tham mưu, báo cáo Chính phủ trình Trung ương, Quốc hội xem xét tăng lương cho phù hợp.