Cháy rừng ở Nghệ An: Người gây thiệt hại, xử thế nào?

Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ cháy rừng tại Nam Đàn (Nghệ An) có liên quan đến một nhóm công nhân. Vậy, những người gây thiệt hại sẽ bị xử lý thế nào?
Ngày 14/7, UBND xã Thượng Tân Lộc (huyện Nam Đàn, Nghệ An) xác nhận, liên quan đến vụ cháy rừng trên địa bàn, cơ quan công an đã mời 4 người ở gần sát vụ cháy rừng lên làm việc. Trước đó, vào khoảng 9h sáng 12/7, có 4 người đàn ông (chưa rõ danh tính) lên khu vực rừng ở xã Tân Thượng Lộc để khảo sát về việc xây dựng cột điện gió.
Chay rung o Nghe An: Nguoi gay thiet hai, xu the nao?
Hiện trường nơi xảy ra vụ cháy.
Trong quá trình xuống núi, một trong số người này đã hút thuốc và có khả năng dẫn đến vụ cháy rừng. Nhóm người đã cố gắng dập lửa nhưng bất thành, do hốt hoảng nên họ bỏ chạy. Thông tin ban đầu cho biết, cả 4 người trên đang làm việc cho một doanh nghiệp điện gió. Ước tính ban đầu, vụ cháy gây thiệt hại hơn 10ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất trên địa bàn, chủ yếu là thông, cỏ, cây bụi…
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đối với sự việc này, người gây ra thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với mức độ và hành vi đã gây ra. Căn cứ quy định tại Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Điểm đ Khoản 11 Điều 1 Nghị định 07/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp.
Chay rung o Nghe An: Nguoi gay thiet hai, xu the nao?-Hinh-2
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Theo đó, hành vi gây thiệt hại đến rừng vì bất kỳ mục đích gì (trừ trường hợp khai thác rừng trái pháp luật) mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bị xử phạt lên đến 200 triệu đồng. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng đến khi thành rừng theo suất đầu tư được áp dụng ở địa phương tại thời điểm vi phạm hành chính…
"Tuy nhiên, vì thiệt hại cháy rừng lên đến 10ha, rất có thể người gây ra thiệt hại sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 243 Bộ luật Hình sự không phụ thuộc vào hành vi cố ý hay vô ý mà người gây ra thiệt hại có thể phải chịu mức xử phạt lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Vì vậy, cơ quan chức năng sẽ đánh giá bản chất, nguyên nhân và hậu quả để có thể truy cứu trách nhiệm tương ứng đối với hành vi nêu trên", luật sư Hùng nói.
>>> Xem thêm video: Hiện trường hai xe tải cháy trơ khung chỉ trong một đêm

Nguồn: Lý Thùy.

Theo Đời sống
back to top