Cầu sử dụng vốn thấp, giải pháp lãi suất hạ chưa "trúng" vấn đề

(khoahocdoisong.vn) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có diễn biến bất thường theo hướng tăng lên, ngành ngân hàng đã tuyên bố rất mạnh mẽ về các giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận vốn. Tuy nhiên, thị trường lại chờ đợi nhiều hơn, không chỉ dừng lại ở những chính sách tiền tệ.

Tín dụng khó tăng dù lãi suất thấp

Tại một phát biểu gần đây nhất, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, dịch Covid-19 có thể khiến 926.000 tỷ đồng, tương đương 11% dư nợ toàn hệ thống thành nợ xấu.

Với số liệu trên, các ngân hàng hiểu rõ, hỗ trợ doanh nghiệp chính là tự cứu mình. Do đó, các ngân hàng đã cùng nhau "chung tay" đăng ký tham gia gói tín dụng ưu đãi lên tới 285.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 0,5-1%/năm so với trước đó.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng sẽ dựa trên tình hình, sức khỏe tài chính của mình để đưa ra mức lãi suất phù hợp. Các doanh nghiệp khi vay vốn cũng phải đáp ứng được điều kiện về khả năng hoạt động đảm bảo được nguyên liệu đầu vào, đồng thời phải chứng minh được đầu ra.

Thể hiện tinh thần đồng hành, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hạ trần lãi suất tiền gửi, chi phí đầu vào huy động vốn; hạ chi phí tiếp cận vốn của các tổ chức tín dụng qua các kênh như OMO và tái cấp vốn, tái chiết khấu…; giảm thẳng chi phí doanh nghiệp vay vốn qua trần lãi suất cho vay VND đối với nhóm ngành ưu tiên; hỗ trợ ngân hàng qua nâng lãi suất tiền gửi bắt buộc.

Đặc biệt, phía nhà điều hành còn chủ động hướng dẫn các ngân hàng cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi cho các khách hàng thuộc lĩnh vực bị ảnh hưởng.

Hiện tại, tất cả các ngân hàng thương mại đã đồng loạt thực hiện việc điều chỉnh, đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng về còn tối đa 4,75%. Đáng chú ý, lãi suất tiền gửi trung, dài hạn cũng có dấu hiệu giảm.

Dù chưa có số liệu được thống kê chính xác do lượng ngân hàng công khai niêm yết lãi suất cho vay là không nhiều nhưng với dư địa đang có, mặt bằng lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ tiếp tục đi xuống khi mà chi phí vốn giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, phải nói thêm rằng, gói hỗ trợ 285.000 tỷ đồng và động thái đồng hành của Ngân hàng Nhà nước mới chỉ tác động tới cho vay ưu đãi, giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu và không hề sử dụng nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước.

Theo một số chuyên gia tài chính, hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang bị ngưng trệ, thậm chí dừng hẳn do chuỗi cung ứng bị cắt ở cả chiều nhập và xuất. Khó khăn hiện hữu không phải vấn đề vốn mà là thị trường hàng hóa bị ách tắc ở cả chiều xuất và nhập khẩu, các hành động đang có chỉ có tác dụng khi thị trường hồi phục. Vì vậy, nhu cầu vay vốn trên thị trường không nhiều.

Thực tế cho thấy, Tổng cục Thống kê vừa thông tin, hoạt động ngân hàng quý 1/2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Tính đến ngày 20/3/2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 0,68% (cùng kỳ năm trước tăng 1,9%), tương đương lượng tín dụng tăng thêm chỉ hơn 55.700 tỷ đồng.

Hướng về chính sách tài khoá

Như trên đã dẫn, thị trường đang khó hấp thụ được lượng vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng trong thời gian ngắn. Việc giảm lãi và khuyến khích cho vay có thể ví như chuyện ép người ốm phải ăn nhiều, trong khi người ốm lại đang đắng miệng, không có hứng thú với chuyện ăn.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tài khoá nên được ưu tiên hơn là chính sách tiền tệ do hiệu quả tức thì, độ trễ ít hơn.

“Các cơ quan quản lý vẫn cần tiếp tục theo dõi, cân nhắc có thể giảm lãi suất điều hành ở mức độ nhất định nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh hơn sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Đồng thời, phải kết hợp hài hoà chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì hiệu quả hỗ trợ mới tốt hơn”, ông Lực chia sẻ.

KH&ĐS đã trao đổi vấn đề trên với một số chủ doanh nghiệp, hầu hết đều rất cần hỗ trợ từ các chính sách tài khoá. Cụ thể, điều doanh nghiệp cần là đóng băng khoản vay cho tới khi hồi phục, nhu cầu vay vẫn có nhưng sẽ phần nhiều dùng để đảo nợ và duy trì hoạt động.

Một yếu tố mà họ đề cập nữa là chuyện giảm thuế. Hiện nhiều doanh nghiệp đang phải xoay xở tiền mặt để cầm cự nhưng lại phải dùng số tiền này để nộp thuế, phí đúng hạn, nếu không muốn bị xếp vào diện chậm nộp thuế rồi dẫn tới tình trạng bị phạt.

Về phía Chính phủ, mới đây, sau khi lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Tài chính chính thức hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Tại dự thảo mới này, Bộ Tài chính đã bổ sung nhiều ngành được gia hạn và gia hạn đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2019. Do đó, ước tính số tiền gia hạn nộp thuế lớn tới hơn 80.200 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với số dự kiến trước đó là hơn 30.000 tỷ đồng.

Song, đây mới chỉ là hoãn, gia hạn thời gian nộp thuế trong 5 tháng. Hiểu đơn giản, nếu đặt với mức lãi suất 5 tháng ở các ngân hàng thương mại hiện tại là khoảng 5%/năm thì gói tài khoá trên chỉ rơi vào khoảng 1.667 tỷ đồng.

Được biết, tại buổi họp chiều ngày 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu gói tài khóa hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp bị ảnh hưởng và khẳng định, gói này sẽ lớn gấp nhiều lần gói miễn, giãn thuế đang thực hiện.

“Sẽ xem xét cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương cho người lao động. Đây là một trong những chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm thiểu sa thải lao động lúc khó khăn này. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước thực hiện”, vị đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Theo Đời sống
Đồng hồ Led để bàn... giá rẻ thành bỏ đi

Đồng hồ Led để bàn... giá rẻ thành bỏ đi

"Nhận hàng mới biết là phí tiền vì bên ngoài thì trầy xước, mùi nhựa rất khó chịu, đồng hồ bị lỗi hiển thị sai thứ, lúc giao không có pin nên không thử được,...", chị Lan chia sẻ khi mua đồng hồ led giá 21.000 đồng.
Giá xăng tiếp tục giảm từ 15h ngày 31/10

Giá xăng tiếp tục giảm từ 15h ngày 31/10

Chiều 31/10, liên bộ Công Thương - Tài chính thông báo điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Từ 15h hôm nay, giá xăng được điều chỉnh giảm giảm từ gần 300 đồng đến gần 400 đồng/lít, trong khi giá giá các loại dầu đồng loạt tăng.
back to top