Ông là GS Dương Quang Trung - người có nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc về viễn thông hàng đầu thế giới.
Nhà khoa học đam mê 6G
GS Dương Quang Trung sinh năm 1979 tại đô thị cổ Hội An (Quảng Nam). Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) ông được nhận học bổng thạc sĩ của Chính phủ Hàn Quốc, rồi tiếp tục nghiên cứu tiến sĩ tại Thụy Điển.
Năm 2013, TS Dương Quang Trung được đặc cách nhận vào ngạch Giáo sư của Đại học Queen’s Belfast thuộc top 20 trường đại học hàng đầu ở Anh không phải trải qua giai đoạn sau Tiến sĩ. Năm 2020, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư đứng đầu về lĩnh vực Viễn thông tại Trường Đại học Queen’s Belfast khi mới ở độ tuổi ngoài 40. Ông là một trong những trường hợp bổ nhiệm ngạch giáo sư nhanh nhất trong gần 200 năm lịch sử của trường Đại học hàng đầu Anh quốc này.
Tự nhận xuất phát điểm của mình khá bình thường, cũng chỉ là học giỏi ở một thị trấn nhỏ, GS Dương Quang Trung đi khá chậm giai đoạn đầu. Lý giải sự thành công của ngày hôm nay, ông cho rằng mình đã làm việc chăm chỉ hết sức trong một môi trường làm việc tốt và nhờ có thêm chút may mắn. Tuy nhiên, theo ông, điều quan trọng nhất là được làm việc mình thật sự đam mê.
GS Dương Quang Trung được bầu vào danh sách những nhà nghiên cứu có trích dẫn cao nhất thuộc lĩnh vực “Khoa học máy tính và Điện tử” với tổng số trích dẫn khoảng 10.500 và chỉ số h-index (chỉ số đo mức độ ảnh hưởng) là 56 (theo Top Scientist - World Computer Scientists Ranking 2020). Ông được bổ nhiệm làm một trong 4 chủ tịch nghiên cứu (Research Chair) của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh, phụ trách vấn đề về mạng viễn thông 6G.
Theo GS Dương Quang Trung, thế giới đang thay đổi nhanh chóng nhờ vào sự thúc đẩy của mạng 5G nhưng niềm đam mê của ông là mạng 6G. Mạng 6G không chỉ truyền dữ liệu nhanh, duy trì độ chính xác cao 99,999% của 5G mà còn giải quyết được các nhu cầu của các thiết bị IoT (internet vạn vật).
Mạng 6G sẽ mở ra một tương lai nhiều lợi ích cho toàn xã hội như: chăm sóc sức khỏe, chẩn đoán chữa bệnh, phẫu thuật y tế từ xa, thực tế ảo, xe tự lái, giải trí và tăng cường cho giáo dục, giải trí…
Trước đó, việc sử dụng các thuật toán tối ưu hóa hiệu suất truyền thông tin mạng 5G còn tốn kém và tốn rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, phương pháp tương tác giữa kỹ thuật tối ưu hóa và mô hình máy học do GS Dương Quang Trung và cộng sự đề xuất đã giúp giảm đáng kể thời gian thực thi mạng không dây 5G sử dụng UAV.
Điều này rất quan trọng để tiến hành thành công các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn trong 72 giờ đầu của thảm họa bằng thiết bị không người lái UAV. Công trình nghiên cứu sử dụng trí tuệ nhân tạo và tối ưu theo thời gian thực cho mạng 5G của GS Dương Quang Trung và một số cộng sự đã được trao giải Công trình nghiên cứu xuất sắc tại Hội nghị lớn nhất của ngành viễn thông Mỹ (IEEE GLOBECOM 2019).
Nhớ mùi trầm hương Tết khi xa quê
GS Dương Quang Trung hiện định cư ở Anh để thuận tiện cho việc nghiên cứu, giảng dạy tại Đại học Queen’s Belfast. Ông có ba cậu con trai, bé lớn nhất mới 8 tuổi, vợ lại đang làm nghiên cứu sinh nên ngoài công việc, GS Dương Quang Trung đặc biệt thích nấu ăn, rửa bát và trông con. Ông tâm sự rất thích khoảng thời gian nấu ăn, rửa bát. Với ông đó là những giây phút giảm stress do công việc, thậm chí nảy sinh nhiều ý tưởng khoa học trong khi rửa bát.
Gia đình GS Dương Quang Trung thường tổ chức làm mứt và gói bánh chưng vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm. Từ khi sang Anh làm việc năm 2014 đến nay, ông chưa một lần được về Việt Nam ăn Tết. Lịch giảng dạy tại Anh trùng với thời gian Tết âm lịch của Việt Nam nên gia đình tự tổ chức đón Tết truyền thống bên Anh.
Tuy xa quê nhưng mọi nghi thức tiễn ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp hay đón giao thừa đều được thực hiện nghi lễ đầy đủ. Với ông, đây là dịp để chia sẻ với con về văn hóa dân tộc Việt. Tại Anh, các con ông cũng mặc áo dài truyền thống để đón Tết Việt Nam...
Ông tâm sự, cứ gần Tết là nhớ quê, muốn về Việt Nam đi mua hoa, gặp bạn bè, thầy cô giáo cũ. Thời còn đi học, cứ vào Giao thừa, ông thường cùng với bạn bè chạy quanh phố cổ, hít hà không khí đêm Giao thừa. Hội An đêm 30 sực nức mùi trầm hương, quyện với không khí se lạnh đầy sương đêm tạo nên một ký ức đặc biệt mà xa quê nhớ đến nao lòng. Nhớ đến mức những cảm giác đó rõ rệt như mới vừa hôm qua...
Xuất thân trong một gia đình giản dị, mang đậm phong cách phố cổ Hội An. Cha GS Dương Quang Trung là ông Dương Quang Kỳ, nhân viên Cục Thuế Quảng Nam đã nghỉ hưu. Mẹ ông làm nội trợ, từng có một cửa hàng sách nhỏ “Quầy cô Thanh” tại góc đường Hoàng Diệu - Trần Hưng Đạo, Hội An, khá quen thuộc với người dân phố cổ.
Từ nhỏ cho tới hết cấp 3, GS Dương Quang Trung đều học ở Hội An. Chính vì vậy, bao năm bôn ba du học, nghiên cứu và làm việc tại nước ngoài, lúc nào GS Dương Quang Trung cũng nhớ về Tổ quốc, dành thời gian về thăm quê và giúp các bạn trẻ quê nhà học tập, vươn ra thế giới.
Nhiều năm nay, GS Dương Quang Trung và các bạn đã mở Trại hè Nghiên cứu khoa học quốc tế dành cho các sinh viên Quảng Nam - Đà Nẵng. Trại hè lần thứ nhất tổ chức tại Đại học Duy Tân - Đà Nẵng ông đã giúp 11 sinh viên tìm được học bổng theo học chương trình nghiên cứu sinh ở các nước Anh, Pháp, Nhật, Mỹ.
Tháng 8/2016, trại hè lần thứ 2 cũng mở tại Đại học Duy Tân cũng đã giúp các thạc sĩ ngành điện tử - viễn thông và công nghệ thông tin tiếp cận với học bổng nghiên cứu sinh do Hội đồng Anh, Quỹ Newton tài trợ...
Với nhiều đóng góp cho sự hợp tác khoa học và giáo dục giữa Việt Nam với Anh Quốc, GS Dương Quang Trung đã được vinh danh nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Anh - Việt.
GS Dương Quang Trung cho biết, những năm tháng nghiên cứu sinh nước ngoài là thời gian tuổi trẻ đẹp và đáng nhớ nhất trong đời ông. Ông được tiếp cận với các giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn mà mình yêu thích, đồng thời được học tập nghiên cứu trong một môi trường làm việc lý tưởng với những trải nghiệm thú vị cho bản thân. Ông mong muốn các nhà khoa học trẻ Việt Nam cũng có những cơ hội khám phá kho tàng tri thức nhân loại và tạo nên những thay đổi tốt đẹp cho thế giới trong tương lai.
GS Dương Quang Trung là người đầu tiên công bố công trình sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy tối ưu trong thời gian thực để giải quyết các vấn đề cấp thiết của mạng 5G và mạng tương lai. Trong 5 năm qua, ông đã xuất sắc nhận được rất nhiều giải thưởng: Giải thưởng fellowship của Hội khoa học Hoàng gia Anh Quốc từ năm 2016 - 2021 (cả Vương quốc Anh chỉ có 8 người); Giải thưởng Newton Prize 2017 của Chính phủ Anh; Giải nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới theo thành tựu trọn đời do Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ công bố tháng 11/2020... Ông là tác giả chính và đồng tác giả của hơn 340 công trình nghiên cứu khoa học giành nhiều giải thưởng sắc nhất ngành viễn thông.