Cấp cứu thành công sản phụ thai ngoài tử cung vỡ: Cách gì phòng tránh?

Thai ngoài tử cung bị vỡ là một tình trạng cấp cứu trong sản khoa thường gặp, xảy ra bất cứ khi nào, rất nguy hiểm vì có thể khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng do chảy máu ồ ạt. Vậy cách gì phát hiện và phòng ngừa?

Kích hoạt báo động đỏ cứu bệnh nhân

Vào lúc 17h40, Ngày 14/7, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ T. T.M.T (38 tuổi, trú tại TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội kèm ra máu âm đạo.

Theo thông tin kíp trực cấp cứu của Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cung cấp, bệnh nhân được người thân đưa đến phòng cấp cứu trong trạng thái lơ mơ, mạch nhanh, huyết áp 90/60.

Tại phòng cấp cứu, Bác sĩ nhận định bệnh nhân có tình trạng mất máu cấp và đang rơi vào tình trạng sốc. Sau khi thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, hình ảnh siêu âm có khối thai ngoài tử cung, ổ bụng rất nhiều dịch máu. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có Thai ngoài tử cung và đã bị vỡ.

Khoảng 17h55 bệnh nhân được đưa lên khoa Sản trong tình trạng mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp tiếp tục tụt xuống 70/40, trong ca trực lúc đó, BS.CKII Trần Công Dũng, Trưởng khoa Phụ Sản Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã quyết định kích hoạt báo động đỏ. Không còn thời gian chờ đợi, mọi việc giải thích và cam kết với người nhà lúc đó được kíp cấp cứu thực hiện bằng khẩu lệnh và hơn 18h cùng ngày, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ.

Ca phẫu thuật mổ cho bệnh nhân - Ảnh cắt từ video

Ca phẫu thuật mổ cho bệnh nhân - Ảnh cắt từ video

Sau hơn 1 giờ chiến đấu với tử thần, các Bác sĩ đã hút ra từ ổ bụng bệnh nhân gần 2 lít máu. Có thể nói, với sự bản lĩnh, quyết đoán và dám chấp nhận sự mạo hiểm, dám chấp nhận rủi ro, bỏ qua quy trình, tất cả vì tính mạng và sự an toàn của người bệnh, kíp cấp cứu đã thành công cứu sống người bệnh.

Được biết, Thai ngoài tử cung bị vỡ là một tình trạng cấp cứu trong sản khoa thường gặp, xảy ra bất cứ khi nào, rất nguy hiểm vì có thể khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng do chảy máu ồ ạt. Thai ngoài tử cung nói chung và thai ngoài tử cung bị vỡ nói riêng cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phát hiện sớm bảo tồn khả năng sinh sản

TS. BS. Đỗ Tuấn Đạt, trưởng khoa A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã thụ tinh phát triển bên ngoài tử cung. 90% chửa ngoài tử cung là chửa tại vòi trứng. Các yếu tố nguy cơ của thai ngoài tử cung bao gồm: Mang thai ngoài tử cung trước đây; Có tiền sử phẫu thuật vòi trứng; Có tiền sử phẫu thuật vùng chậu hoặc bụng; Một số bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs); Bệnh viêm vùng chậu; Lạc nội mạc tử cung.

Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ: Hút thuốc lá; Tuổi trên 35 tuổi; Tiền sử vô sinh; Hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Khoảng một nửa số phụ nữ mang thai ngoài tử cung không có các yếu tố nguy cơ đã biết. Phụ nữ trong độ tuổi hoạt động tình dục cần cảnh giác với những thay đổi của cơ thể, đặc biệt nếu gặp phải các triệu chứng mang thai ngoài tử cung:

- Chảy máu âm đạo bất thường

- Đau lưng dưới

- Đau nhẹ ở bụng hoặc xương chậu

- Chuột rút nhẹ ở một bên xương chậu

Nếu chảy máu âm đạo bất thường và đau vùng chậu, bạn cần thông báo cho bác sĩ sản phụ khoa. Khi thai ngoài tử cung phát triển, đặc biệt là nếu ống dẫn trứng bị vỡ, các triệu chứng nghiêm trọng hơn gồm:

- Đau đột ngột, dữ dội ở bụng hoặc xương chậu

- Đau vai

- Yếu, chóng mặt hoặc ngất xỉu.

Ngay khi gặp những dấu hiệu ban đầu trên, bạn cần khám với bác sĩ sản phụ khoa chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm, tránh trường hợp phát hiện muộn gây chảy máu bên trong, ngất xỉu thậm chí tử vong.

BS Nguyễn Hương Trà, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cảnh báo: Nếu bạn từng mang thai ngoài tử cung, bạn có nguy cơ lặp lại điều này ở những lần mang thai sau. Vì vậy, trong lần mang thai tiếp theo, hãy cảnh giác với các dấu hiệu và triệu chứng của thai ngoài tử cung cho đến khi bác sĩ xác nhận thai nhi đang phát triển ở đúng vị trí.

Cách phòng ngừa thai ngoài tử cung tái phát:

- Thời gian an toàn để có thai trở lại ít nhất là sau điều trị thai ngoài tử cung 6 tháng.

- Khuyến cáo sau 3 tháng điều trị cần kiểm tra lại để đánh giá có tổn thương vùng vòi, tử cung

- Giữ vệ sinh âm hộ, âm đạo sạch sẽ đặc biệt trong kỳ kinh nguyệt, sau quan hệ, khi đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa hoặc sau sinh đẻ.

- Cần điều trị tích cực khi được chẩn đoán viêm âm hộ, âm đạo, viêm phần phụ…

Kiểm tra sức khỏe sinh sản trước khi mang thai là biện pháp tốt nhất giảm thiểu rủi ro cho bạn và thai nhi. Vì vậy, cần thăm khám lại sau điều trị thai ngoài tử cung một cách kỹ lưỡng.

Trước khi mang thai bạn cần đi khám ở những cơ sở chuyên khoa có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, góp phần giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.

Theo Đời sống
back to top