Cao tốc Bắc - Nam phía Đông vướng giải phóng mặt bằng, "khát" vật liệu đắp nền

Công tác GPMB và thủ tục cấp phép mỏ vật liệu đất đắp nền đường Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm, làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành Dự án.
caotocbac-1-.jpg
Ảnh minh hoạ - nguồn: baochinhphu.vn

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (Dự án) là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Chính phủ đã thông qua mục tiêu hoàn thành toàn bộ Dự án (gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 652,86km) trong năm 2024.

Trong đó 04 dự án thành phần: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây phải hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2022.

Mặc dù, tổng thể công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) đã đạt 99,99%, tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số tồn tại trong công tác GPMB và thủ tục cấp phép mỏ vật liệu đất đắp nền đường tại một số địa phương làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành Dự án.

Cụ thể, về vướng mắc về công tác GPMB. Tính đến ngày 15/4, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) phát sinh vướng mắc khu đất nghĩa trang Giáo xứ thuộc xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai và 12 vị trí cột điện cao thế chưa hoàn thành di dời.

Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (tỉnh Nghệ An) còn 56m (4 hộ dân huyện Hưng Nguyên) chưa thực hiện các thủ tục bồi thường, khoảng 2.725m đã bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, còn 30 vị trí đường điện chưa hoàn thành di dời (gồm 3 vị trí điện cao thế, 12 vị trí điện trung thế và 15 vị trí điện hạ thế).

Đoạn Cam Lộ - La Sơn hiện còn 01 vị trí đường điện 220KV và phần mặt bằng của một số hạng mục phát sinh do điều chỉnh, xử lý kỹ thuật thuộc tỉnh Quảng Trị và 13 vị trí đường điện cao thế chưa di dời và phần mặt bằng của một số hạng mục phát sinh do điều chỉnh, xử lý kỹ thuật thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đoạn Nha Trang - Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) hiện còn khoảng 1,0km (10 hộ dân và vật liệu đá tập kết của 02 mỏ đá Hoá An 1, Phước Thành chưa di dời), 08 vị trí cột điện cao thế, 36 vị trí cột điện trung thế, 18 vị trí cột điện hạ thế.

Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo hiện còn 01 vị trí cột điện trung thế và 50m cáp viễn thông chưa di dời thuộc tỉnh Khánh Hòa; khoảng 400m đường ống nước thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận): hiện còn 17 vị trí cột điện cao thế 220kV - 500kV.

Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây hiện còn 01 vị trí cột điện 500kV, 10 cột điện hạ thế, 41 cột viễn thông nằm trên tuyến nối cao tốc với QL1A thuộc tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đồng Nai hiện còn 01 đường điện 220kV, 01 đường điện 500kV chưa được nâng cao tĩnh không, 14 vị trí cột điện trung thế và 8.020m đường ống nước chưa di dời.

Cầu Mỹ Thuận 2 (tỉnh Tiền Giang) hiện còn 03 vị trí cột điện cao thế chưa hoàn thành di dời.

Về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, hiện còn thiếu 4,1 triệu m3 chưa hoàn thành thủ tục cấp giấy phép khai thác.

Trong đó, đoạn Mai Sơn - QL45 (tỉnh Ninh Bình) thiếu khoảng 0,4 triệu m3; đoạn Nha Trang - Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) thiếu khoảng 0,8 triệu m3; đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (tỉnh Ninh Thuận) thiếu khoảng 2,0 triệu m3; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) thiếu khoảng 0,9 triệu m3.

Còn 03 mỏ đất với tổng trữ lượng 1,34 triệu m3 tại tỉnh Bình Thuận thuộc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã được cấp phép nhưng chưa được khai thác do đang hoàn tất các thủ tục thuê đất, nộp các khoản thuế, phí và thực hiện bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu trên đất.

Theo Đời sống
back to top