Nhu cầu i-ốt của cơ thể con người rất ít nhưng lại không thể thiếu. Bởi nếu thiếu i-ốt sẽ gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, nhất là các bệnh liên quan đến tuyến giáp, thần kinh.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, i-ốt là vi chất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp các hormone điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, da, lông, tóc, móng, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động…
Thiếu i-ốt sẽ gây bướu cổ, khuyết tật bẩm sinh ở trẻ
Tuy nhiên, cơ thể không tự tổng hợp được i-ốt mà chỉ hấp thu qua đường thức ăn. Không đủ i-ốt, cơ thể dễ mắc các rối loạn tự miễn, trong đó có suy chức năng tuyến giáp.
Một số bệnh nguy hiểm có thể mắc phải do thiếu i-ốt như:
Bướu cổ: Nếu không có đủ i-ốt tuyến giáp sẽ bị phình dần lên và phát triển thành bướu cổ. Bởi khi thiếu i-ốt, tuyến giáp phải hoạt động nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu sản xuất hormone tuyến giáp.
Trên thế giới, thiếu hụt i-ốt là nguyên nhân phổ biến gây phình tuyến giáp và bướu cổ. Khi bị bướu cổ, các nốt tuyến giáp sẽ lớn hơn và làm người bị bướu cổ nghẹt thở, khó nuốt, đặc biệt khi nằm sấp tình trạng khó thở tăng nặng.
Suy giáp: I-ốt rất cần thiết cho việc sản xuất hormone tuyến giáp, vậy nên, khi hàm lượng i-ốt trong cơ thể giảm xuống sẽ dẫn đến suy giáp. Đây được coi là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh suy giáp trên toàn thế giới.
Bổ sung một lượng i-ốt vừa đủ trong bữa ăn hàng ngày giúp phòng ngừa các bệnh nguy hiểm có liên quan đến thiếu i-ốt
Ảnh hưởng đến thai kỳ: I-ốt có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ có thai và cho con bú. Bởi thiếu i-ốt trầm trọng ở người mẹ có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, sinh non và khuyết tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.
Trẻ em có mẹ bị thiếu hụt i-ốt nặng trong thời kỳ mang thai có thể bị khuyết tật trí tuệ và gặp nhiều vấn đề về tăng trưởng, khả năng ngôn ngữ và thính lực. Thậm chí, người mẹ thiếu i-ốt nhẹ trong thời kỳ mang thai có thể làm trẻ kém thông minh.
I-ốt rất cần cho cơ thể nhưng chỉ cần một lượng đủ, không nên lạm dụng vì có thể gây ra những nguy hại cho sức khỏe như ngộ độc i-ốt hay quá tải i-ốt có thể gây cường giáp trên bệnh nhân thường có biểu hiện bệnh lý tuyến giáp trước đó.
Việc bổ sung i-ốt có thể thông qua chế độ ăn uống hàng ngày như: Bổ sung qua việc sử dụng muối i-ốt, qua các loại hải sản tôm, cua, cá, các loại rau xanh…
Ngoài ra, cách sử dụng, chế biến không đúng trong quá trình nấu nướng cũng làm mất đi lượng i-ốt trong muối, thực phẩm và gây thiếu i-ốt. Do đó, cần hình thành thói quen chế biến, bảo quản đúng cách để bảo tồn lượng i-ốt như: Cho muối i-ốt vào thực phẩm khi nấu gần xong để không làm bay hơi lượng i-ốt, để muối i-ốt trong lọ có nắp đậy, tránh ánh nắng và nơi có nhiệt độ cao…
Bổ sung i-ốt bao nhiêu là đủ?
Nhu cầu i-ốt của trẻ/ngày là:
Trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi cần 40mcg/ ngày, với trẻ bú mẹ hoàn toàn thì mẹ nên ăn nhiều hải sản và dùng muối i-ốt hoặc nước mắm có i-ốt để nguồn dưỡng chất quan trọng này tiết qua sữa bổ sung cho bé. Với trẻ đã ăn dặm (6 – 12 tháng) cần 50mcg, có thể bổ sung i-ốt qua ăn uống hàng ngày.
Trẻ từ 1 – 3 tuổi cần 70mcg; trẻ từ 4 – 9 tuổi cần 120mcg; trẻ từ 10 – 12 tuổi cần 140mcg; từ 14 tuổi đến khi trưởng thành là 150mcg. Trứng và các thực phẩm từ sữa là một nguồn cung cấp i-ốt khá tốt. Ngoài ra, i-ốt cũng có nhiều trong hải sản như cá, tôm, cua và có nhiều trong các loại rau xanh…
Đối với người bình thường, nhu cầu i-ốt hàng ngày là từ 150 – 200 mcg i-ốt, còn ở phụ nữ mang thai hoặc cho con bú cần thêm 30 – 50 mcg.
Cơ thể con người không tự tổng hợp được i-ốt mà hoàn toàn phải cung cấp từ bên ngoài, chủ yếu từ lương thực, thực phẩm, một phần qua không khí. Việc bổ sung i-ốt phải thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ trong một lần, một lúc, một giai đoạn.
Theo Linh Nhi/giadinhmoi.vn