Thủy ngân, phốt pho, bột kẽm... gây ô nhiễm
Ngày 29/8, UBND phường Hạ Đình phát đi thông báo về việc xử lý vệ sinh môi trường sau cháy cho người dân sinh sống gần Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (số 85 - 87 phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân).
Văn bản của UBND phường yêu cầu các gia đình tự theo dõi sức khỏe các thành viên. Nếu có biểu hiện ho, khó thở, đau ngực, sốt, co giật, nôn phải đưa đi khám tại các bệnh viện. Kịp thời thông báo cho UBND phường hoặc trạm y tế phường các trường hợp ảnh hưởng đến sức khỏe, các trường hợp nghi ngộ độc do bụi tro tàn dư của cháy.
Không sử dụng thực phẩm như rau, hoa quả, trái cây, gia cầm, cá, lợn được nuôi trồng trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy. Không sử dụng nước tại các bể hở trong bán kính 1km. Sơ tán trẻ em, người già, người ốm ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của đám cháy 1-10 ngày để hạn chế ảnh hưởng.
Theo báo cáo nhanh của UBND quận Thanh Xuân, trong tổng diện tích nhà kho, xưởng bị cháy có kho bóng compact, kho bóng đèn huỳnh quang, kho phích, kho đèn bàn, vật tư và một số kho xưởng nhỏ khác.
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, nếu kho bóng đèn huỳnh quang, kho bóng compact bị cháy thì một lượng lớn thủy ngân sẽ bị thoát ra ngoài kèm theo khói bụi của vụ cháy. Ngoài thủy ngân, khói bụi từ vụ cháy này có thể kèm theo cả photpho, bột kẽm, và một số hóa chất khác. Các chất này cũng có hại cho sức khỏe con người.
"Bóng đèn có kim loại nặng thủy ngân, nhưng lượng thủy này đều ở quy định ở mức tương đối an toàn.Tuy nhiên, khi số lượng bóng đèn vỡ lớn, người ta phải tính toán xem lượng thủy ngân này có thoát được không, lượng tồn dư bao nhiêu, vượt thế nào so với chuẩn cho phép trong không khí. Tôi cho rằng khuyến cáo của chính quyền là cần thiết, bởi chắc chắn trong vụ cháy này có thủy ngân, còn mức độ nào chúng ta phải thống kê để thông báo cho người dân đỡ hoang mang".
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, thủy ngân là một loại kim loại nặng rất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Nếu hít phải thủy ngân ở liều lượng cao sẽ ngấm vào máu, tích lũy ở xương ngay. Thủy ngân gây ra nhiều bệnh, tùy vào liều lượng, nếu liều lượng cao sẽ tác động ngay lập tức, nếu liều lượng thấp sẽ ngấm vào máu sau đó vài ba năm mới xuất hiện bệnh.
Vài microlit rơi vào da có thể tử vong
Thủy ngân thuộc nhóm đầu các độc tố gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế nêu: “Thủy ngân là chất độc tích lũy sinh học rất dễ hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa. Thủy ngân tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì nó tạo ra các hợp chất hữu cơ trong cơ thể sinh vật. Một trong những hợp chất độc nhất của nó là đimêtyl thủy ngân, độc đến mức chỉ vài micrôlít rơi vào da có thể gây tử vong”.
Theo PGS.TS Hoàng Xuân Cơ, khoa Môi trường, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội, đèn huỳnh quang bị cháy sẽ phát tán thủy ngân ra môi trường. Tuy nhiên, mức độ bao nhiêu cần phải căn cứ trên khối lượng bị cháy, đồng thời cần có quan trắc thủy ngân trong không khí với một bán kính nhất định từ nơi xảy ra đám cháy. Thủy ngân là một chất rất độc hại, hít phải có thể ngộ độc, thậm chí là tử vong.
Người già, trẻ em, người ốm bệnh sống xung quanh khu vực cháy nên di tản, chờ đến khi thủy ngân phân rã hết thì mới nên trở về nhà. Việc quan trắc, đo thủy ngân trong môi trường thường rất phức tạp, tốn kém. Do đó các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay để xác định mức độ ô nhiễm, có những cảnh báo kịp thời đến người dân
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, đèn huỳnh quang được xếp vào nhóm chất thải nguy hại, và cơ sở sản xuất có thải bỏ đèn huỳnh quang phải lưu trữ riêng. Việc thu gom và xử lý phải thực hiện theo quy trình riêng và do một đơn vị được Bộ TNMT cấp phép. Quá trình thanh tra, cơ sở để bóng đèn huỳnh quang không đúng nơi quy định cũng bị xử phạt. Sự cố này sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước xung quanh khu vực đó. Nếu số lượng lớn thì ô nhiễm sẽ kéo dài. Cần có tính toán cụ thể số lượng thủy ngân phát tán ra môi trường để có các biện pháp khắc phục.
Theo ông Trần Nhật Đình, chuyên gia tư vấn môi trường của các tổ chức phi chính phủ, thủy ngân sau khi cháy bốc lên, gặp mưa lớn vào chiều ngày 29/8 sẽ lắng xuống đất, nước, nhà cửa.... Vì thế, quan trắc chất lượng không khí cũng chỉ là một phần mà ô nhiễm ở đây đã lan xuống đất, nước. Cần lấy mẫu đất, nước ở khu vực xung quanh để đánh giá mức độ nguy hại.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lượng, Khoa Kỹ thuật Môi trường, ĐH Xây dựng, bóng đèn lưu huỳnh khi thải ra môi trường được xếp vào nhóm chất thải nguy hại vì có chứa thủy ngân, dẫn đầu các loại độc tố. Có nghĩa là phải được lưu trữ tại nơi đáp ứng các quy định. Đơn vị thu gom, xử lý phải có giấy phép xử lý chất thải nguy hại do Bộ TNMT cấp.
Với sự cố cháy ở Công ty Rạng Đông, khu vực cháy có kho đèn huỳnh quang, tức là có thủy ngân phát tán ra môi trường. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm đến đâu, vùng ô nhiễm rộng như nào thì phải căn cứ số liệu bóng đèn cháy để xem tổng lượng thủy ngân phát thải ra môi trường, xem hướng gió hôm ấy ra sao để biết vùng ảnh hưởng và quan trọng nhất là quan trắc không khí xung quanh khu vực cháy xem nồng độ thủy ngân thế nào, đến khi nào thì không khí mới an toàn.
Theo báo cáo nhanh của UBND Q.Thanh Xuân, khoảng 18 giờ ngày 28/8, kho chứa hàng của Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông xảy ra cháy lớn. Tổng diện tích nhà kho, xưởng xảy ra cháy rộng khoảng 6.000 m2. Để dập tắt vụ hỏa hoạn, lực lượng chữa cháy đã huy động 200 cán bộ chiến sĩ cùng 35 phương tiện, di dời 58 hộ dân với 213 nhân khẩu ở dọc phố Hạ Đình ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hà Nội cũng đã điều động lực lượng PCCC của các quận, huyện hỗ trợ chữa cháy.
Theo thông tin từ Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông, vụ cháy không gây thiệt hại về người; tài sản thiệt hại ước tính khoảng 150 tỷ đồng.