Thời gian gần đây, bệnh sởi đã có dấu hiệu bùng phát tại nhiều khu vực, đe dọa đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ nhỏ và những người có hệ miễn dịch yếu, chưa được tiêm phòng đầy đủ. Dù là bệnh đã có vaccine phòng ngừa từ lâu, nhưng với sự gia tăng của các ca mắc mới, việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về bệnh sởi trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Theo thống kê từ ngày 23/5 đến sáng 12/8, TP.HCM ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, có 346 ca dương tính sởi. Các ca bệnh sởi có khoảng 50% bệnh nhân tại các tỉnh chuyển đến. Sởi đã xuất hiện tại 57 phường xã, 16 quận huyện của thành phố. Đặc biệt, TP.HCM đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi.
Cũng theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến nay, có 78 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, đặc biệt ghi nhận một chùm ca bệnh sởi tập trung tại Hà Tĩnh ở nhóm trẻ dưới 10 tuổi.
Trong bối cảnh bệnh sởi có nhiều diễn biến phức tạp như vậy thì làm sao để nhận biết và chủ động phòng ngừa bệnh? Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tư vấn đầy đủ, cụ thể về bệnh.
Bệnh sởi là gì?
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh có khả năng lây lan mạnh mẽ qua đường hô hấp, thông qua các giọt bắn nhỏ li ti từ mũi, miệng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Bệnh sởi không chỉ nguy hiểm bởi khả năng lây lan cao mà còn bởi những biến chứng nguy hiểm mà nó có thể gây ra, đặc biệt đối với trẻ em.
Nguyên nhân gây bệnh sởi
Bệnh sởi do một loại virus thuộc họ Paramyxoviridae gây ra, được gọi là virus sởi (Measles virus). Đây là một trong những loại virus có khả năng lây lan mạnh nhất. Các nguyên nhân và yếu tố gây bệnh sởi bao gồm:
– Lây nhiễm qua đường hô hấp: Virus sởi lây lan chủ yếu qua các giọt bắn nhỏ li ti khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi, hoặc nói chuyện. Người khỏe mạnh hít phải các giọt này có thể bị nhiễm virus.
– Tiếp xúc trực tiếp: Bệnh cũng có thể lây lan khi một người chạm vào bề mặt hoặc vật dụng có chứa virus và sau đó chạm vào mũi, miệng, hoặc mắt.
– Thiếu miễn dịch: Những người chưa tiêm vaccine phòng sởi hoặc chưa từng mắc bệnh sởi trước đó sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao, đặc biệt là trẻ nhỏ, người lớn tuổi, và những người có hệ miễn dịch suy yếu.
– Môi trường đông đúc, kém vệ sinh: Virus sởi dễ dàng lây lan trong các môi trường đông người như trường học, nhà trẻ, bệnh viện, hoặc các khu vực có điều kiện vệ sinh kém.
– Suy giảm miễn dịch sau khi tiêm chủng: Miễn dịch do vaccine mang lại có thể suy giảm theo thời gian, làm tăng nguy cơ nhiễm sởi, đặc biệt là ở người lớn chưa được tiêm nhắc lại.
Phát ban sởi trên da - Ảnh minh họa |
Triệu chứng của bệnh sởi
Triệu chứng của bệnh sởi ở trẻ em và người lớn đều có đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp trên, viêm kết mạc và phát ban. Khi bệnh nặng có thể dẫn đến nhiều biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm giác mạc, tiêu chảy, tử vong…
Bệnh sởi thường diễn biến qua 5 giai đoạn, mỗi giai đoạn lại có những triệu chứng cụ thể như sau:
– Giai đoạn ủ bệnh: 7- 21 ngày, trung bình 10 ngày. Trong giai đoạn này, người bệnh chưa có bất cứ một biểu hiện lâm sàng nào nên tự người bệnh hay người nhà cũng không biết có bệnh.
– Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long) 2 – 4 ngày: sốt cao, viêm long đường hô hấp trên, viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể có hạt Koplik phía trong miệng ngang hàm trên.
– Giai đoạn toàn phát 2-5 ngày: Sau sốt 3-4 ngày người bệnh phát ban hồng rát sẩn từ sau tai, trán xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân.
– Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt màu chuyển sang màu xám, bong vảy để lại vết thâm, vằn da hổ và mất dần.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh sởi
– Tiêm chủng 2 mũi cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, mũi 1 từ 9 – 12 tháng tuổi, mũi 2 từ 18 – 24 tháng.
– Cách ly: Tránh tiếp xúc gần với những người nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán mắc bệnh sởi. Nếu có người trong gia đình mắc sởi, cần cách ly người bệnh trong phòng riêng và hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác.
– Rửa tay thường xuyên: Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay là phương pháp hiệu quả để loại bỏ virus có thể lây lan qua tiếp xúc.
– Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hoặc khi đến các nơi đông người để giảm nguy cơ lây nhiễm.
– Thường xuyên lau chùi, vệ sinh các bề mặt tiếp xúc như bàn, ghế, tay nắm cửa bằng dung dịch khử trùng.
– Giữ cho không gian sống và làm việc thoáng khí, sạch sẽ để giảm nguy cơ lây nhiễm.
– Ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
– Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên để giữ cho cơ thể khỏe mạnh và nâng cao sức đề kháng.
" Bệnh sởi, dù đã có vaccine phòng ngừa nhưng vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh bệnh đang có dấu hiệu bùng phát như hiện nay.
Hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa là vô cùng cần thiết để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nguy cơ mắc bệnh.
Mỗi cá nhân đều đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe chung của cả cộng đồng." - Các bác sĩ bệnh viện đa khoa Phú Thọ khuyến cáo