Can thiệp bào thai “cứu” bé IVF bị bó chặt trong tử cung nhờ truyền ối

Đứng trước nguy cơ lại mất 2 con một lần nữa vì 1 thai đã lưu, thai còn lại cạn ối, bị bó chặt, chèn ép trong tử cung... sản phụ 31 tuổi đã tìm đến chuyên gia điều trị thiểu ối và được truyền ối cấp cứu cứu sống thai nhi.

Có tới 4-5% thai phụ có nguy cơ rơi vào tình trạng thiểu ối. Kỹ thuật can thiệp bào thai truyền ối cho thai nhi cứu sống nhiều trẻ.

Kỹ thuật hiện đại nhất mang lại hạnh phúc cho mẹ hiếm muộn

Từng mang song thai IVF một lần nhưng sớm bị sảy nên ở lần mang song thai IVF này, chị N.T.Y (31 tuổi) giữ gìn rất cẩn thận. Niềm vui chưa tới được bao lâu, tới tuần thai thứ 8, bác sĩ phát hiện một trong hai thai của chị bị lưu. Thai nhi còn lại vẫn phát triển bình thường cho tới tuần 22, chị Y. đột nhiên cảm nhận thai nhi ít đạp.

Truyền ối cứu thai nhi của thai phụ IVF

Truyền ối cứu thai nhi của thai phụ IVF

Mục đích truyền ối cho thai phụ thiếu ối?

Nước ối là yếu tố cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, mục đích truyền ối cho thai phụ thiếu ối là đưa mức nước ối trở lại mức bình thường, giúp thai nhi tiếp tục phát triển, đồng thời tránh được những rủi ro có thể xảy ra do thiếu ối.

Truyền ối cho thai phụ thiếu ối phải được thực hiện trong môi trường vô trùng tuyệt đối để tránh gây nhiễm trùng nguy hiểm cho mẹ và bé. Đồng thời, kỹ năng đưa kim vào buồng ối phải được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm và tay nghề chuyên môn cao vì nếu chỉ cần một sai sót nhỏ nhất cũng có thể khiến quá trình truyền ối thất bại.

Sau khi truyền ối cho thai phụ thiếu ối, các bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi thai phụ chặt chẽ cho đến khi mức nước ối trở về an toàn.

Qua siêu âm cho thấy thai nhi đã cạn ối. Ám ảnh về lần mang thai trước khiến chị và gia đình vô cùng hoang mang, lo sợ mất con lần nữa. Biết rằng Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội thực hiện can thiệp bào thai truyền ối, chị Y. đặt trọn niềm tin tại Bệnh viện.

Chị đã tìm gặp và thăm khám với chuyên gia điều trị thiểu ối – TS. BSCKI Nguyễn Thị Sim – Phụ trách Đơn vị Can thiệp bào thai. Nhận thấy thai nhi bị bó chặt, chèn ép trong tử cung, đối mặt với nguy cơ lưu thai, BS Sim đã hội chẩn và lên kế hoạch truyền ối cấp cứu cho chị Y. Bằng sự quyết tâm và tinh thần không ngại khó, bác sĩ đã truyền ối thành công, giữ lại thai nhi an toàn trong bụng mẹ.

Sau truyền ối, chị Y. được các bác sĩ cho xem hình ảnh siêu âm của con: nước ối đã bình thường, thai nhi lại cử động linh hoạt, bất giác chị Y. đã rơi lệ, mỉm cười hạnh phúc.

Dù vậy, nhiệm vụ của các bác sĩ vẫn chưa dừng lại, thai nhi cần được theo dõi chặt chẽ nhằm giữ em bé lâu nhất có thể trong bụng mẹ và chào đời an toàn. Mỗi ngày qua đi, sự nỗ lực nhỏ dần tích lũy thành trái ngọt, đến tuần 36 chị Y. xuất hiện cơn chuyển dạ, một em bé mạnh khoẻ cân nặng 2200g chào đời - đánh dấu hoàn thành chặng đường gian nan tìm con của chị.

Can thiệp bào thai là kỹ thuật hiện đại nhất trong sản khoa hiện nay, có thể can thiệp được ở hầu hết cơ quan của bào thai. "Với kỹ thuật truyền ối, các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã cứu được rất nhiều em bé bị bó chặt trong tử cung mẹ như hút chân không"- bác sĩ Sim nói.

4-5% thai phụ có nguy cơ thiểu ối

TS.BSCKI Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc và Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết: Thiểu ối là tình trạng thai có lượng nước ối ít hơn bình thường, chỉ số ối ở góc hố sâu nhất dưới 20, hoặc tổng 4 góc cộng lại dưới 60.

Ở môi trường này, em bé không được phát triển thuận lợi nữa và có các nguy cơ rủi ro như thai lưu, thai chậm lớn, thai dị dạng hình thái do bị bó ép, hoặc sinh khó do ít nước ối.

TS.BSCKI Nguyễn Thị Sim, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thiểu ối là do mẹ bị vỡ ối hoặc rỉ ối qua đường âm đạo, làm giảm lượng nước ối trong tử cung hoặc mẹ có một số bệnh lý làm cho quá trình sản xuất nước ối trong bào thai giảm dần dẫn đến tình trạng thiểu ối.

Một nguyên nhân khác nguy hiểm hơn là do thai nhi không có thận, hoặc có nhưng không hoạt động làm quá trình tạo nước ối trong giai đoạn phát triển thai nhi bị hạn chế. Và, có tới 30% số ca thiểu ối không tìm được rõ nguyên nhân.

“Thiểu ối tiềm ẩn nhiều nguy cơ như thiểu sản phổi, thai chậm phát triển, biến dạng mặt, chân tay, ngôi thai bất thường,… Hậu quả nặng nề nhất là thiểu ối ảnh hưởng đến quá trình trao đổi tuần hoàn giữa bánh rau và bào thai bị dừng, dây rốn bị ép chặt lại dẫn đến thai lưu”, TS.BS Sim nói.

TS.BSCKI Nguyễn Thị Sim cho biết, theo thống kê có tới 4-5% thai phụ có nguy cơ rơi vào tình trạng thiểu ối. Trước đây, những ca này, các thai phụ được tư vấn nên uống nước, nghỉ ngơi nhiều hoặc được điều trị bằng cách truyền dung dịch sinh lý nhằm tăng cường tuần hoàn tử cung rau.

GS.TSBS Nguyễn Duy Ánh cùng kíp can thiệp bào thai

GS.TSBS Nguyễn Duy Ánh cùng kíp can thiệp bào thai

Tuy nhiên, phương pháp này đem lại ít hiệu quả. Vì thế, trong những trường hợp này bác sĩ sẽ khuyên nên chấm dứt thai kỳ sớm để tránh tình trạng thai lưu.

“Bởi vậy, thai phụ bị thiểu ối thường tuyệt vọng, tâm lý kém đi và hiệu quả điều trị không được như mong muốn”, BS Sim chia sẻ.

Trước kia chưa có các kỹ thuật can thiệp trực tiếp vào bào thai thì người mẹ chỉ có thể tăng cường uống đủ nước, truyền dịch vào tĩnh mạch. Tuy vậy, những phương pháp này không đạt hiệu quả cao, chỉ giải quyết được vài phần trăm.

Với kỹ thuật truyền ối, các bác sĩ sử dụng loại kim nhỏ nhất thế giới, không tổn hại đến thai nhi và đường vào kim rất nhỏ, không gây tụ máu, bầm máu và nguy hiểm cho thai nhi. Đến thời điểm hiện tại các bác sĩ chưa ghi nhận ca truyền ối nào thất bại.

Khi truyền ối, người mẹ hoàn toàn có thể theo dõi trực tiếp các cử động của con thông qua máy siêu âm. Kỹ thuật này giúp bổ sung nước ối cho thai bằng cách truyền dịch vô khuẩn. Khi vấn đề ít nước ối được giải quyết, em bé như “cá gặp nước” có thể cử động, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa hoạt động trở lại.

Kỹ thuật này góp phần giữ em bé đến lúc có thể nuôi được ở bên ngoài. Hiện tại, tỷ lệ thành công của việc sử dụng kỹ thuật này để kéo dài tuổi thai lên đến 87%, các chỉ số sơ sinh của các bé được sử dụng kỹ thuật này đều bình thường.

Được biết, tại Việt Nam, BV Phụ Sản Hà Nội là bệnh viện công lập đầu tiên của cả nước thực hiện phương pháp truyền ối cho thai phụ bị thiểu ối. Đến nay, đã có hàng trăm trường hợp “mẹ tròn, con vuông” nhờ kỹ thuật này.

Thực hiện kỹ thuật truyền oói cho thai phụ tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Thực hiện kỹ thuật truyền oói cho thai phụ tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Hiện tại với nhiều kỹ thuật can thiệp bào thai mới, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành có thể điều trị một số dị tật bẩm sinh khác cho thai nhi ngay khi ở trong bụng mẹ như thoát vị hoành, tim bẩm sinh, Spina Bifida, truyền máu thai thiếu máu, dẫn lưu dịch màng phổi, ứ nước bể thận..." - GS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội chia sẻ về những can thiệp bào thai ngành sản đã giúp cho nhiều thai phụ mẹ tròn con vuông.

Theo Đời sống
back to top