Hội thảo Giải pháp nhằm tăng cường chuyển giao chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội do LHH tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch LHH cho biết, tư tưởng về xã hội hóa dịch vụ công được hình thành từ Nghị quyết Hội nghị BCH T.Ư Đảng lần thứ 4 (khóa VII) và được đưa vào trong Văn kiện Đai hội Đảng lần thứ VIII “Các vấn đề chinh sách xã hội đều giải quyết theo tinh thần xã hội hóa. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết các vấn đề xã hội”.
Chủ trương đó tiếp tục được khẳng định qua nhiều nghị quyết, văn kiện Đại hội Đảng, qua các văn bản ban hành của Chính phủ.
Tuy nhiên, còn rất nhiều hội thành viên của LHH chưa được tiếp cận với dịch vụ công, việc chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức hội còn nhiều bất cập.
Sự bất cập đó đã nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu tham dự hội thảo, cùng với đó là những ý kiến đóng góp.
Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, ông Trần Ngọc Hùng chỉ ra: “Nhiều lĩnh vực nhà nước còn ôm đồm, mà nguyên nhân chủ yếu là những người có chức có quyền, những tổ chức cá nhân liên quan chưa muốn buông các dịch vụ công mà mình đang nắm giữ được Nhà nước cấp biên chế, kinh phí hoạt động. Thậm chí, có hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân trong khi thực hiện nhiệm vụ này”.
Ông Hùng kiến nghị, Chính phủ cần thông qua mtooj Nghị định riêng quy định về việc chuyển giao dịch vụ công (bao gồm dịch vụ công ích, dịch vụ công trong lĩnh vực sự nghiệp, kể cả dịch vụ hành chính công) cho các tổ chức xã hội. “Theo đó, cần có lộ trình chuyển giao từng bước”, ông Hùng nói.
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu quan điểm: “Chúng ta đã chờ đợi 20 năm rồi, giờ cần đến lúc phải hành động”.
Theo ông Phúc, có hai cái phải xem lại: Xem lại chức năng nhà nước, soát lại cải cách thể chế và vai trò của nhà nước. Thứ hai khi đòi hỏi chuyển giao thì phải xem lại năng lực của các Hội.