Mưa lũ kéo dài hơn một tháng qua ở Trung Quốc gây ra cảnh lụt lội nghiêm trọng chưa từng có. Theo các chuyên gia, dự báo vào các tháng tới, tình hình mưa lũ ở Việt Nam cũng diễn biến khá phức tạp.
Cảnh giác với dải hội tụ dịch chuyển xuống phía Nam
Bộ Quản lý Tình trạng khẩn cấp Trung Quốc ngày 19/7 thông báo kể từ đầu tháng 7 có 31 người chết hoặc mất tích và 28,35 triệu người bị ảnh hưởng do mưa lũ ở 24 khu vực cấp tỉnh của nước này. Mưa lũ đã khiến 16.000 ngôi nhà bị sập và dẫn tới tổn thất kinh tế trực tiếp lên tới 64,39 tỷ nhân dân tệ (9,21 tỷ USD).
GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, theo thông tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia thì dải mây Mei-yu được cho là nguyên nhân gây mưa lớn cùng lũ lụt ở Trung Quốc thực chất là dải hội tụ. Dải hội tụ này là một luồng không khí phía Nam và một luồng khối không khí phía Bắc gặp nhau. Luồng phía Bắc do khối không khí ôn đới đẩy xuống, còn luồng phía Nam do gió mùa Tây Nam đẩy lên. Khi dải hội tụ nằm ở đâu lâu, không dịch chuyển thì vùng đó bị mưa nhiều. Và khi dải hội tụ tập trung thì mưa càng tập trung, càng lớn, còn dải hội tụ dịch chuyển rải rác thì mưa lớn không tập trung ở một chỗ. Dải hội tụ gây mưa có thể hình thành ở bất cứ đâu, có thể hình thành ở bất cứ nước nào.
Dải hội tụ ở Trung Quốc năm nay tương đối ổn định, không dịch chuyển, tập trung nên dẫn tới mưa lớn, khi mưa lớn tập trung ở một lưu vực thì sẽ dẫn tới lũ lớn. Tuy nhiên, tới đây khi gió mùa Tây Nam yếu đi, dải hội tụ sẽ bị đẩy lùi dần về phía Nam vào thời điểm cuối mùa hè, vậy nên ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ của Việt Nam cũng có thể hình thành dải hội tụ gây mưa. Ở Việt Nam, theo quy luật dải hội tụ có thể hình thành và nằm ở khu vực Bắc Bộ vào khoảng tháng 7 - 8, nằm ở Trung Bộ khoảng tháng 9 - 10, khi gió mùa Tây Nam yếu dần đi thì dải hội tụ dịch dần về phía Nam. Do vậy, Việt Nam cũng phải đề phòng các nguy cơ mưa lũ lớn vào các tháng kế tiếp.
Cần có kịch bản ứng phó
GS.TS Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích, hiện tượng nắng nóng năm nay được nhận định tương đối khốc liệt đặc biệt là ở khu vực miền Trung. Tình hình hạn hán ở miền Trung liên quan đến mưa lũ lịch sử ở Trung Quốc. Cụ thể, do hệ thống gió Tây Nam quá mạnh nên ở miền Trung xảy ra hiện tượng gió Tây khô nóng trong thời gian dài. Trung Quốc mưa lũ kéo dài bao nhiêu thì nắng nóng miền Trung cũng kéo dài bấy nhiêu.
Hệ thống gió mùa Tây Nam kéo dài hàng nghìn ki lô mét và khi mạnh quá mức tràn sang vượt qua dãy Trường Sơn gây mưa ở Tây Trường Sơn tức là phía Lào. Khi sang phía Đông Trường Sơn đã bay hết hơi nước và không khí đi xuống gây ra hiện tượng khô nóng ở khu vực miền Trung Việt Nam và thường gọi là hiện tượng phơn hay còn gọi là gió Lào. Hệ thống gió càng kéo dài hơn nữa đẩy mạnh lên và chặn hệ thống ở vĩ độ cao và hai bên kìm giữ nhau ở vùng Trung Quốc, Nhật Bản. Đó chính là hai hệ thống giao tranh tạo ra hiệu ứng mưa lớn ở Trung Quốc thời gian vừa qua.
Dù mưa lũ ở Trung Quốc không ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam nhưng diễn biến này cho thấy sự dị thường của thời tiết. Nắng nóng gay gắt kéo dài có phải là dấu hiệu báo trước một mùa mưa lũ khốc liệt, GS.TS Phan Văn Tân cho hay, tháng 9, 10 năm nay lượng mưa ở khu vực Việt Nam sẽ nhiều hơn những năm thông thường. Hiện tượng lũ sẽ xảy ra dữ dội hơn nếu như mưa cực đoan xảy ra nhiều và kéo dài. Hiện nay mưa lũ ở Trung Quốc không ảnh hưởng đến Việt Nam song nếu mưa ở khu vực Tây Nam Trung Quốc tức là vùng thuộc lưu vực sông Hồng, sông Đà thì có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Do vậy, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó với mưa lũ lớn, mưa lũ kéo dài. Các hồ chứa thủy điện phải điều tiết lũ, xả lũ, tránh tình trạng mưa lũ dồn về gây ra những nguy cơ mất an toàn.