Camera – giải pháp hữu hiệu kiểm soát hung thần container

(khoahocdoisong.vn) - Mấy ngày qua, dư luận lại bàng hoàng về một chiếc xe đầu kéo hạng nặng đâm xe cảnh sát giao thông, thông chốt kiểm soát dịch Covid-19, băng qua trạm thu phí rồi nhắm thẳng vào hàng xe được CSGT bố trí chốt chặn.

Sự việc xảy ra ngày 18/6/2021, tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, lái xe Vũ Đình Đức (SN 1986) thông chốt kiểm soát dịch Covid-19 rồi bỏ chạy.

Sau đó, xe chạy “như điên” lao qua trạm thu phí, gây tai nạn cho 2 xe máy và 1 xe tải. Sau khoảng 1 giờ quần thảo, CSGT bắt buộc phải trưng dụng nhiều xe chặn đường ngăn chiếc “xe điên”.

Tuy nhiên, tài xế vẫn táo tợn lao vào các xe chặn đường trước khi dừng. Sau khi bị bắt giữ, lái xe này khai, trước đó đã sử dụng ma tuý đá, bị ảo giác.

Chiếc xe tải thông chống dịch.

Chiếc xe tải thông chống dịch.

Một trong những vụ tai nạn xe tải nặng, container kinh hoàng là vụ do tài xế Phạm Thành Hiếu gây ra tại Bến Lức, Long An vào ngày 2/1/2019.

Một hàng dài xe máy đang dừng đèn đỏ đã bị container của Hiếu đâm, cán lên (200m sau khi đâm, chiếc container mới chịu dừng).

Vụ tai nạn làm 4 người chết và 25 người bị thương (có người tỷ lệ thương tật đến 98%). Hiếu đã bị kết án 12 năm tù nhưng việc Hiếu uống rượu, sử dụng ma tuý khiến nỗi lo về tái xế container vẫn còn ám ảnh.

Sau vụ tai nạn kinh hoàng này, đại tá Trần Sơn, nguyên Phó Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho hay: "Theo khảo sát khoảng 6 năm trước thì có hơn 30% tài xế xe container (bằng lái FC) dương tính với ma túy, đây là con số nhức nhối nhưng nhiều năm qua ngành giao thông dường như bất lực".

Giải pháp kiểm soát hung thần container được đặt ra nhiều (như siết chặt khâu đào tạo, thường xuyên kiểm tra ma tuý…), tuy nhiên, camera được xem là một giải pháp hữu hiệu nhất. 

Chính vì vậy, trong Nghị định 10/2020 (Quy định về điều kiện Kinh doanh vận tải ô tô), ngoài xe khách, Chính phủ yêu cầu xe container, xe đầu kéo phải lắp camera giám sát hành trình.

Tác dụng quan trọng nhất của camera đối với loại hình này là kiểm soát lái xe container đầu kéo có lái quá giờ theo quy định hay không (đây là vấn đề mà các công cụ hiện nay chưa thể kiểm soát).

Ngoài ra, camera cũng giúp phát hiện các hành vi vi phạm khác của lái xe (như mất tập trung, sử dụng điện thoại, không thắt giây an toàn…) để kịp thời xử lý hoặc hậu kiểm, phục vụ điều tra nếu xảy ra tai nạn.

Tuy cần thiết nhưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GTVT mới đây đã đề nghị lùi thời hạn lắp camera với cả xe khách và container, xe đầu kéo.

Theo đó, hạn cuối bắt buộc phải lắp camera đối với xe xe container và xe đầu kéo được đến 31/12/2021 thay vì 1/7/2021 như Nghị định 10.

Bộ GTVT cho rằng, do ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 dẫn đến đơn vị kinh doanh vận tải giảm sút nghiêm trọng.

Thứ 2, Bộ GTVT cho rằng, về nguyên nhân chủ quan, một số đơn vị kinh doanh vận tải còn e ngại và chưa muốn lắp camera, tâm lý lo sợ sẽ bị các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát và xử lý đối với các hình ảnh vi phạm được truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Hai xe tải hạng nặng đấu đầu tại Hà Tĩnh.

Hai xe tải hạng nặng đấu đầu tại Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, việc lùi lắp đặt camera với xe tải là điều rất khó hiểu bởi vì, tính trên toàn quốc vận tải hàng hoá lại tăng trưởng sản lượng nhờ “hưởng lợi” từ dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, tháng 5/2021, khối lượng vận chuyển hàng hoá đạt 103.436 nghìn tấn, tăng 2,9% so với tháng 4/2021 và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2020, lượng luân chuyển hàng hoá là 7.710 triệu Tkm, tăng 2,5% so với tháng 4/2021 và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020. 

So với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra (từ đầu năm 2020), vận tải hàng hoá bằng ô tô vẫn tăng trưởng. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2019 (khi chưa có dịch Covid-19) đạt 684,8 triệu tấn, 5 tháng đầu năm 2021 vươn lên đạt 739 triệu tấn (các số liệu này được trích từ báo cáo chính thức của Tổng cục Thống kê).

Theo các chuyên gia vận tải, lý do khiến vận tải hàng hóa tăng trưởng là do người dân chuyển từ vận chuyển “xách tay” sang thuê đơn vị vận tải, mua sắm trục tuyến gia tăng.

Ngoài ra, các xe đầu kéo, container được hưởng lợi lớn nhất khi các nước phát triển cơ bản hết dịch, tăng đặt hàng các doanh nghiệp Viêt Nam.

Vì vậy, xe tải nói chung, đặc biệt là container và đầu kéo (những loại phương tiện hoạt động thường xuyên gây tai nạn thảm khốc phải lắp đặt camera) được ưu ái cho loại phương tiện này là điều rất khó hiểu.

 Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP (Quy định về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô), từ 1/7/2021 tới, xe chở khách trên 9 chỗ, container và xe đầu kéo bắt buộc phải lắp camera giám sát hành trình. Đây là quy định được ban hành từ hơn 1 năm trước (có hiệu lực vào 1/4/2020) để các doanh nghiệp vận tải có thời gian dài chuẩn bị.

Theo Đời sống
back to top