Theo đó, việc cải tạo lại chung cư cũ ở Hà Nội thời gian tới sẽ được thực hiện dưới 3 hình thức. Các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn, đấu thầu lựa chọn và nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại.
Bao gồm 7 nhóm giải pháp trọng tâm như: Tổng rà soát, khảo sát, kiểm định chung cư cũ; lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết chung cư cũ; ban hành kế hoạch cải tạo, lập danh mục chung cư cũ cần cải tạo; xây dựng lại đồng bộ; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; tạo quỹ nhà ở tạm cư và thực hiện các chính sách ưu đãi…
Theo thống kê, năm 2020, trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ. Trong đó có khoảng 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ, chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến 1994, chỉ có một số ít nhà xây dựng trước năm 1954. Những chung cư này tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội đã rà soát và nhận thấy có 200 nhà nguy hiểm cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D.
Từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 18 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng (trong đó, có 2 nhà nguy hiểm cấp D), 14 dự án đang triển khai.
Các dự án đã hoàn thành thực hiện theo 3 mô hình: Mô hình sử dụng nguồn vốn ngân sách; sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách có sự hỗ trợ từ Thành phố và sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách.
Sở Xây dựng cũng cho biết, nguyên nhân khiến cho việc cải tạo chung cư cũ kéo dài là do nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo cơ chế, chính sách của Thành phố chưa được người dân đồng thuận, nhất là các hộ ở tầng 1.