Cách "cấp cứu" xe máy nếu bị chết máy khi đi vào đường ngập nước

Trong mùa mưa, chúng ta không thể tránh khỏi những lúc phải đi xe máy băng qua những đoạn đường ngập nước. Kiểm tra bugi, xả hết nước trong ống pô… là những thao tác cần thiết nếu xe máy bị chết máy khi ngập nước vào trời mưa.

Đẩy xe máy đến khu vực khô ráo

Đẩy xe vào khu vực khô ráo là việc làm đầu tiên sau khi xe bị chết máy do ngập nước. Lưu ý, không nên khởi động lại xe ngay sau khi bị chết máy, vì đây sẽ là nguyên nhân khiến xe bị hỏng động cơ.

Bạn hãy quay đầu xe về phía cao, chống chân đứng xe và lắc lư thân xe lên xuống, qua lại để xả hết nước đang ứ đọng trong các bộ phận bên trong của xe.

Nhanh chóng xả hết nước trong ống pô xe máy

Khi lắng nghe ống pô xe máy, nếu phát hiện tiếng nước bên trong, bạn hãy dốc cao hẳn phần đầu của xe lên và kéo đều ga để đẩy hết nước ra ngoài.

Việc ống pô bị nước lọt vào khiến nhiệt độ khu vực khí thải không đảm bảo nên xe dễ bị tắt máy.

Thay nhớt động cơ

Đối với những chiếc xe máy bị ngập nước qua đêm, bạn nên kiểm tra dầu nhớt. Nếu thấy màu nhớt không đồng đều hoặc có màu trắng đục thì nước đã vào tới khu vực động cơ. Khi bị lỗi này cần phải thay nhớt trước khi cố gắng khởi động lại động cơ.

Làm khô bugi

Khi đề xe máy, nếu có tiếng kích điện kêu nhưng xe không nổ, rất có thể chiếc xe đã bị dính nước vào bugi. Để xử lý tình huống này, việc cần làm là tháo bugi, đạp khởi động một vài lần để nước thoát khỏi xi lanh. Sau đó, bạn lau chùi bugi khô rồi lắp lại vị trí cũ.

Đối với xe máy số, thì bugi được lắp ở vị trí thấp, nên dễ dàng dính nước. Nếu bạn không đủ đồ nghề để xử lý việc bugi dính nước, hãy tới tiệm sửa xe gần nhất để được hỗ trợ.

Lưu ý, đối với bugi, chỉ cần lau, sấy khô và ráp lại là có thể đề máy được.

Làm khô lọc gió

Lọc gió cũng dễ bị dính nước khi xe máy đi vào vị trí ngập lụt do nằm ở vị trí thấp trên xe. Vì thế, hãy đảm bảo lọc gió luôn khô sau khi đi qua những vùng nước để xe máy không bị chết giữa đường.

Lời khuyên nhằm tránh tối đa rủi ro do đi xe máy trong thời tiết mưa to, đường ngập nước

Hạn chế tối đa đi vào vùng ngập

Khi thấy một đoạn đường ngập nước, hãy quan sát và ước lượng độ sâu trước khi quyết định đi vào. Với xe máy, không nên di chuyển vào đoạn đường có mức nước xấp xỉ cổ ống xả hoặc ngập một nửa bánh xe. Nếu bạn đi vào, rất dễ làm nước chui vào ống xả, gây tắc khiến xe chết máy.

Chọn cung đường khác hoặc chờ nước rút

Nếu không chắc chắn về khả năng "lội nước" của xe, chúng ta nên kiên nhẫn tìm một ví trí cao ráo chờ đến lúc nước rút hoặc chọn một cung đường khác an toàn hơn để tránh rủi ro không đáng có.

Quan sát và đi vào vị trí cao

Với trường hợp bắt buộc phải đi qua đường ngập, cần chú ý quan sát vị trí cao nhất của mặt đường để di chuyển, thông thường vị trí cao này sẽ ở phần tim đường. Hạn chế đi vào lề đường, vừa là khu vực ngập sâu và còn có nguy cơ đi vào các hố ga, miệng cống,…

Đi số thấp, giữ đều ga

Nếu đi xe số, bạn nên để số thấp (số 1 hoặc số 2) để đi từ từ qua đoạn ngập. Còn với xe tay ga, bạn cố gắng giữ thật đều ga và có thể sử dụng thêm phanh, tránh tăng giảm ga đột ngột sẽ làm nước tràn qua ống xả vào bên trong.

Đừng ngại tắt mắt, dắt xe qua đoạn ngập

Khi thấy chiếc xe của mình khó có thể đi qua được, đừng ngại xuống xe, tắt máy và dắt xe qua vùng nước sâu. Để "chắc cú", bạn nên lấy túi ni-lon cuộn lại rồi nhét vào ống xả để nước khó lọt vào bên trong. Đến một vị trí thích hợp, nổ máy và "rồ ga" một lúc để nước trong ống xả thoát hết ra ngoài, khi nào tiếng xe nổ “tròn” thì mới lên xe và tiếp tục di chuyển.

Theo Đời sống
Wuling Bingo về Việt Nam có gì cạnh tranh Vinfast VF5?

Wuling Bingo về Việt Nam có gì cạnh tranh Vinfast VF5?

Wuling Bingo của TMT Motors có vẻ đang mang đến sự tích cực về mặt truyền thông với hàng loạt trang bị và công nghệ. Liệu "canh bạc" này có bị đối thủ VinFast VF5 "đánh bại" trong phân khúc SUV hạng A tại Việt Nam?
back to top