Đó là 1 phần nội dung trả lời của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 5/8.
Không phải thiếu tất cả
Trả lời câu hỏi về vấn đề thiếu thuốc tại một số bệnh viện và giải pháp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, để thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế phải có hai yếu tố chính là vấn đề thể chế (văn bản chính sách liên quan đến mua sắm, đấu thầu) và quá trình tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu ở địa phương, cơ sở y tế.
Nếu thể chế có đầy đủ nhưng ở địa phương, đơn vị "mà còn vấn đề nọ vấn đề kia" trong tổ chức thực hiện, cũng dẫn đến không đủ thuốc, vật tư phục vụ khám chữa bệnh.
"Ví dụ các địa phương có bố trí kinh phí không, rồi trong quá trình xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu có đảm bảo tiến độ không? Lựa chọn nhà thầu thế nào? Rồi khi lựa chọn rồi nhà thầu có cung ứng vật tư, thuốc không hay là bỏ đó..."- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, vừa qua, đặc biệt là sau dịch COVID-19, có xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số đơn vị, một số địa phương nhưng chỉ diễn ra cục bộ, tại một số thời điểm, đơn vị, một số loại, chứ không phải tất cả.
"Tôi đã đi khảo sát Bệnh viện Trung ương Huế, đơn vị này khẳng định không thiếu thuốc, vật tư y tế" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dẫn chứng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 |
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, nhận diện được vấn đề này, Bộ Y tế đã đề ra giải pháp khắc phục, cụ thể là tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, phối hợp với các Bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư liên quan để ban hành Thông tư, Nghị định, Luật.
Theo thẩm quyền, ngay trong năm 2023, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 80, đây là Nghị quyết rất có ý nghĩa trong vấn đề cấp số đăng ký lưu hành thuốc tự động. Trên cơ sở nội dung này, sẽ đưa vào trong dự thảo Luật dược (sửa đổi) dự kiến trình thông qua vào tháng 10 tới đây. Nếu làm tốt sẽ cải cách hành chính trong cấp giấy đăng ký gia hạn thuốc.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 30 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế cũng đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc. Cùng với đó, Bộ Y tế đã tham mưu và trình Quốc hội ban hành Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Các địa phương phải rất linh hoạt trong vận dụng để tổ chức đấu thầu, miễn là công khai, minh bạch
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết thêm, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Luật Đấu thầu; phối hợp với Bộ Tài chính trình Luật giá. Sau khi có các Luật được thi hành, Bộ Y tế tiếp tục ban hành các văn bản thi hành Luật Khám chữa bệnh; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư về khám chữa bệnh.
Bộ cũng chủ động ban thành Thông tư dưới Luật hướng dẫn về lĩnh vực đấu thấu vật tư y tế; danh mục thuốc đàm phán giá; danh mục thuốc đấu thầu tập trung; quy định đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế, Bộ đã hướng dẫn cụ thể về các bước xây dựng, quy trình…
Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các đơn vị hoàn thiện 2 dự án Luật hết sức quan trọng: Luật Dược (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2024.
Nếu Luật Dược (sửa đổi) thông qua, trong đó Bộ Y tế đã trình 5 chính sách, trong đó, cơ bản các chính sách đều cải cách thủ tục hành chính mạnh theo yêu cầu của Thủ tướng để làm sao đẩy nhanh tiến độ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc. Từ đó tạo điều kiện cho có các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh được nhập thuốc.
Các văn bản cũng có nhiều điểm mới nổi bật như: cho sử dụng 1 giấy báo giá hoặc cho phép lấy giấy báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính, chuyên môn, nhu cầu của các đơn vị, địa phương, cơ sở y tế (trước đây phải có 3 báo giá).
Ngoài ra, được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách để duy trì hoạt động chi thường xuyên; Luật đấu thầu được thực hiện trong trường hợp cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) bao gồm các gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp do nhu cầu đột xuất, không có mặt hàng thay thế và bắt buộc phải sử dụng để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người bệnh; cơ sở y tế được áp tùy chọn mua thuốc để mua thêm ngay tối đa 30% số lượng theo hợp đồng chưa có.
"Qua đi khảo sát thực tế, vấn đề hoàn thiện thể chế trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế cơ bản đầy đủ, chủ yếu ở khâu triển khai thực hiện. Các địa phương phải rất linh hoạt trong vận dụng để tổ chức đấu thầu, miễn là công khai, minh bạch, không có lợi ích nhóm, hay dấu hiệu tham nhũng, lãng phí trong vấn đề này"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ tại buổi họp báo.
Cũng nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ lời cảm ơn các bộ, ban ngành, các cơ quan báo chí đã đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ Bộ Y tế và mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, chia sẻ để mục đích cuối cùng là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.
4 điểm mới nhằm tháo gỡ thiếu thuốc, vật tư y tế
Ông Tuyên cũng chỉ ra 4 điểm mới trong các chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ cho tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế.
Cụ thể, thứ nhất cho sử dụng một giấy báo giá (thay vì ba giấy báo giá như trước) hoặc giấy báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính của cơ sở y tế và yêu cầu chuyên môn.
Mua thiết bị, hóa chất là phải có hội đồng của cơ sở y tế đánh giá, đề xuất để tránh tình trạng mua về nhưng không dùng được.
Thứ hai, được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách để duy trì hoạt động thường xuyên của cơ sở y tế. Tức là nếu đấu thầu không trúng sẽ được chỉ định thầu.
Thứ ba, quy định cụ thể các trường hợp cấp cứu dịch bệnh được áp dụng chỉ định thầu.
Thứ tư, được tùy chọn mua thuốc để mua thêm ngay tối đa 30% khối lượng đã ký hợp đồng trước đó.
Ông nhấn mạnh đây là 4 điểm mới giúp giải quyết tình trạng thiếu thuốc. Tuy nhiên, ông nói vấn đề dù thể chế về đấu thầu, mua sắm thuốc đầy đủ nhưng chủ yếu lại nằm ở tổ chức thực hiện tại cơ sở phải làm sao công khai, minh bạch và không có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí trong thực hiện việc này.