Chiều 29/7, tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế, cho biết vấn đề Bộ Y tế đang quan tâm ở Bình Dương là công tác hồi sức tích cực.
Tỉnh Bình Dương hiện có 12 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 với 5.019 ca bệnh, 107 người có diễn biến nặng. 712 bệnh nhân khỏi bệnh.
Hiện nay, công tác điều trị Covid-19 của tỉnh theo mô hình tháp 3 tầng. Người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng (chiếm khoảng 80%) được bố trí ở các khu cách ly tập trung có điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo, đủ thầy thuốc và xét nghiệm cơ bản tối thiểu và máy chụp X-quang di động. Những trường hợp không có triệu chứng được theo dõi sát sao, nếu có triệu chứng sẽ chuyển tuyến.
Các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được điều trị tại các TTYT tuyến huyện. Những bệnh nhân có triệu chứng nặng được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương (hiện có 200 giường ICU) để điều trị.
Lãnh đạo Bộ Y tế và tỉnh Bình Dương khảo sát nơi dự kiến Trung tâm ICU quy mô 500 giường. Ảnh: TB. |
Theo ông Long, Bình Dương có 80-85% ca F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ. Do đó, tầng 1 khu điều trị cần có thêm phần cung cấp oxy để giải quyết 80% F0 nhẹ.
Tầng 1 khu điều trị cần khuyến khích hình thức tự chăm sóc sức khỏe không cần nhiều bác sĩ, y tá, nên dành lực lượng cho tầng 2 và tầng 3.
Ở tầng 2 (khu điều trị ở các cơ sở y tế với bệnh nhân nhẹ và trung bình) không được phép để thiếu hụt oxy. Tỉnh cần đầu tư bồn oxy và hệ thống oxy trung tâm, làm tốt điều trị ở tầng 2 sẽ giảm bớt bệnh nhân phải chuyển lên tầng 3.
Tầng 3 là khu điều trị bệnh nhân nặng, được theo dõi qua hệ thống monitor và camera.
Bộ Y tế quyết định thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) tại Bình Dương và giao PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu làm giám đốc.
"Chúng tôi sẽ điều chuyên gia y tế đến. Tuy nhiên, tỉnh cũng phải nhanh chóng lên kế hoạch điều động nhân lực để mua sắm trang thiết bị để cùng Bộ Y tế thiết lập ngay trung tâm này", ông Long nói.
Ông Long cũng thông tin Bộ Y tế sẽ thành lập 8 đơn vị hồi sức tích cực tại các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong đó, Bình Dương sẽ thiết lập một trung tâm (yêu cầu cần có 200 máy thở). Nếu công tác điều trị được làm tốt ở cả 3 tầng, tỷ lệ ca bệnh chuyển nặng và tử vong sẽ giảm đáng kể.
Đại diện tỉnh Bình Dương cũng cho biết địa phương đã có kế hoạch xây dựng 20.000 giường bệnh.