Bộ trưởng Công Thương bị truy việc hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam

Đăng đàn trước Quốc hội, ông Trần Tuấn Anh khẳng định "không chậm trễ" trong việc xử lý hàng Trung Quốc giả mạo "made in Vietnam" xuất đi các nước.

77 đại biểu đã đăng ký chất vấn ông Trần Tuấn Anh trong chiều 6/11.

Bà Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề cập tình trạng doanh nghiệp lợi dụng nhãn mác hàng Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp hàng nhập khẩu từ Trung Quốc rồi xuất khẩu sang nước khác được cảnh báo từ lâu, song chậm xử lý. "Nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý thế nào", bà đặt vấn đề.

Trả lời sau đó, ông Trần Tuấn Anh cho rằng "không chậm trễ trong ngăn ngừa các hành vi này". Ông nói, đây là thực trạng Bộ Công Thương đã nhận diện từ năm 2016 sau khi Việt Nam hội nhập sâu rộng thông qua loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều ưu đãi thuế quan.

Ông dẫn trường hợp phát hiện 1,8 triệu tấn nhôm trị giá 4,3 tỷ USD gần đây đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặn đứng. Ngoài ra, loạt lĩnh vực khác như điện tử, dệt may, da giày... cũng có dấu hiệu tranh thủ lợi dụng gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp đã được phát hiện. "Bộ đã chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp cùng các bộ, ngành xử lý. Chúng ta đã không chậm trễ trong ngăn ngừa các hành vi này, tránh được ảnh hưởng tới quan hệ thương mại với các đối tác xuất khẩu, chẳng hạn với Mỹ dù Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng đột biến vừa qua", ông nhấn mạnh.

Ông Trần Tuấn Anh là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn trong phiên chất vấn của Quốc hội kéo dài từ ngày 6-8/11. Cùng giải trình với ông Trần Tuấn Anh về những vấn đề liên quan là các trưởng ngành Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Khoa học & Công nghệ, Thông tin & truyền thông, Công an, Thanh tra Chính phủ.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Giang Huy

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Giang Huy

Báo cáo gửi tới Quốc hội trước phiên chất vấn, ông Trần Tuấn Anh cho biết cả nước dự kiến sẽ thiếu điện từ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do các dự án nguồn điện triển khai chậm so với quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Ngoài ra, đầu tư dàn trải, chưa ưu tiên đúng mức những dự án trọng tâm dẫn đến các yếu tố bất lợi trong quản lý, triển khai. Giai đoạn sắp tới, hầu như chỉ có các dự án do EVN triển khai có thể đáp ứng tiến độ, các chủ đầu tư nguồn điện khác, đặc biệt là các nguồn điện BOT hầu hết đều chậm. 

Về phát triển thương mại, Bộ trưởng Công Thương thừa nhận xuất khẩu còn phụ thuộc vào một số thị trường, ngành hàng dẫn đến nguy cơ bị tổn thương khi các thị trường, ngành hàng lớn có những yếu tố bất ổn.

Mặt khác, các mặt hàng xuất khẩu còn gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Việc nhập tỷ lệ lớn nguyên, nhiên liệu về sản xuất khiến hàng hoá xuất khẩu gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Theo vnexpress.net
back to top