Ảnh minh họa. |
Đây là kiến nghị của lãnh đạo Bộ Tài chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020.
Theo Bộ Tài chính, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tháng đã có sự chuyển biến tích cực hơn so với các tháng trước, đặc biệt là ở các địa phương.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nêu một số nguyên nhân chính vẫn ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công.
Trong đó, về cơ chế chính sách, các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong đó có một số quy định mới về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, sử dụng chi phí dự phòng của dự án, ban hành đơn giá… chưa được hướng dẫn cụ thể trong những tháng đầu năm.
Chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn vướng mắc, dẫn đến tình trạng khiếu kiện của người dân, ảnh hưởng đến công tác GPMB triển khai dự án.
Ngoài ra các quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài, có nội dung liên quan đến quy trình điều chỉnh hiệp định vay dẫn đến các bộ, địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai dự án.
Hơn nữa, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc huy động nhân lực, vật tư, tổ chức thi công, nhiều công trình phải tạm dừng thi công. Một số dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài gắn với khâu nhập máy móc, thiết bị, huy động chuyên gia, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ (đặc biệt là Ngân hàng Thế giới) đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án... ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện làm giải ngân cũng ngưng trệ.
Một số dự án được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 lớn song tỉ lệ giải ngân còn thấp như: Dự án thu hồi đất, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành mới giải ngân 2.190,299 tỷ đồng/18.195,035 tỷ đồng, đạt 12,7%; dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài… nên chưa có khối lượng giải ngân cũng như chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng để có khối lượng hoàn thành, đủ điều kiện thanh toán.