Bổ sung nhiều quy định về quản lý chất thải nguy hại

(khoahocdoisong.vn) - Bộ TN&MT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại (CTNH) có nhiều điểm mới liên quan đến việc cấp Giấy phép xử lý CTNH.

Khó quản lý chất thải nguy hại

Các loại CTNH này phát sinh trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, y tế, nông nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng… Chủng loại CTNH phát sinh gồm các loại dầu thải, bóng đèn huỳnh quang thải, pin ắc quy thải, chất thải trong ngành y tế, vỏ bao bì các loại bám dính CTNH, giẻ lau bám dính dầu chất thải, bùn thải từ máy móc và hệ thống xử lý nước thải, thuốc diệt trừ các loài gây hại. 

Tại Phú Thọ, hiện đang có gần 400 cơ sở, doanh nghiệp phát sinh CTNH đã đăng ký chủ nguồn thải CTNH với Sở Tài nguyên và Môi trường và được cấp sổ quản lý, theo dõi với tổng khối lượng 3.212 tấn/năm.

Tuy nhiên, tình trạng quản lý CTNH vẫn chưa thực sự được kiểm soát chặt chẽ ngay tại nguồn phát thải. CTNH được lưu giữ trong khu vực lưu giữ chưa được dán nhãn cảnh báo theo đúng quy định; CTNH còn lưu giữ quá thời hạn cho phép mà không báo cáo với cơ quan quản lý; các đơn vị không gửi báo cáo định kỳ tình hình quản lý CTNH về Sở TN&MT để quản lý hoặc có báo cáo nhưng chưa đầy đủ về tình hình quản lý CTNH, thiếu chứng từ và hợp đồng chuyển giao CTNH theo quy định. 

Tại Bắc Ninh – nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, tình trạng đổ trộm rác thải nguy hại chưa qua xử lý diễn ra gần như thường xuyên, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và cuộc sống người dân. Vụ việc 200 tấn rác thải bị bắt giữ giữa năm 2019 hay độ trộm chất thải ra sông Cầu là những vụ việc điển hình gần đây.

Ước tính, mỗi năm tỉnh Bắc Ninh phát sinh hơn 17.000 tấn rác thải nguy hại. Tuy tỉnh đã xây dựng nhiều nhà máy xử lý rác thải để giải quyết vấn đề này, tuy nhiên tỷ lệ thu gom rác thải mới chỉ ở tỷ lệ thấp.

Nguyên nhân chung của tình trạng trên là do các lực lượng chức năng không đủ nhân lực, vật lực để tiến hành thanh, kiểm tra thường xuyên, khó bao quát hết địa bàn. Trong khi đó quá trình vận chuyển, chuyển giao CTNH cho những cá nhân, đơn vị không đủ điều kiện năng lực hành nghề hiện rất khó kiểm soát.

Đáng chú ý, việc xả thải ra môi trường tồn tại chủ yếu ở trong dân. Các cơ sở tư nhân thu mua rác thải nguy hại ( như bản mạch, thiết bị điện tử...) để tách lấy một số sản phẩm có giá trị, có thể tái chế, phần lớn lượng rác thải còn lại được xả thẳng ra môi trường.

Quy định rõ về CTNH

Để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong quản lý CTNH, Bộ TN&MT đang đề nghị có một số quy định rõ về yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý đối với chủ xử lý CTNH. Tách CTNH thành nhiều loại và độc lập với các loại chất thải khác.

Theo đó, làm rõ vai trò chính, phụ đối với hoạt động liên kết chuyển giao trách nhiệm xử lý CTNH, hướng dẫn tính toán về năng lực tự vận chuyển của cơ sở xử lý CTNH nhằm đảm bảo các chủ xử lý CTNH tập trung hoạt động chính là thu gom, vận chuyển CTNH về chính cơ sở mình xử lý.

Mặt khác, dự thảo Thông tư cũng quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại, với chủ trương thống nhất việc áp mã chất thải y tế nguy hại được thực hiện theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT; bùn thải từ hệ thống, thiết bị xử lý nước thải y tế đã được khử khuẩn theo hướng dẫn của Bộ Y tế được quản lý theo quy định đối với chất thải thông thường.

Bên cạnh đó, về việc vận chuyển CTNH xuyên biên giới, có bổ sung làm rõ hơn quy định trong trường hợp nhà xuất khẩu đại diện thay mặt chủ nguồn thải thực hiện thủ tục xuất khẩu thì phải có văn bản ủy thác (hợp đồng).

Việc liên kết giữa 2 tổ chức, cá nhân, trong đó, một bên chỉ thực hiện việc vận chuyển chất thải nguy hại và chuyển giao trách nhiệm cho bên quản lý còn lại được quy định tại Điều 9 về Yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý đối với chủ xử lý chất thải nguy hại, được quy định thêm về việc liên kết đảm bảo nguyên tắc là việc thu gom, vận chuyển và chuyển giao chất thải nguy hại cho bên tiếp nhận là hoạt động phụ trợ ở quy mô, phạm vi không vượt quá hoạt động chính là thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại về cơ sở xử lý chất thải nguy hại có của chính bên chuyển giao để xử lý. Bên chuyển giao chỉ được thực hiện liên kết để phục vụ các chủ nguồn thải có CTNH được thu gom, vận chuyển về cơ sở của chính mình để xử lý.

Ngoài ra, sẽ bổ sung hướng dẫn đối với việc vận hành thử nghiệm các công trình xử lý CTNH theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP. Quy trình thực hiện và hồ sơ thủ tục đối với các cơ sở xử lý CTNH có lồng ghép hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định tại Điều 56b Nghị định số 40/2019/NĐ-CP. Quy trình thực hiện và hồ sơ thủ tục đối với các trường hợp cấp điều chỉnh và cấp lại Giấy phép xử lý CTNH theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

Bổ sung nội dung cấp phép xả khí thải công nghiệp đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý CTNH hoặc có hạng mục đầu tư cơ sở xử lý CTNH, quy định về nội dung xác nhận trong trường hợp Giấy phép hết hạn hoặc bị thu hồi thì các nội dung đã xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường hoặc được cấp phép xả khí thải công nghiệp (không thuộc phạm vi xử lý CTNH) được bảo lưu trừ trường hợp có ý kiến khác hoặc nằm trong nội dung quyết định thu hồi.

Việc cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu đối với trường hợp dự án vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải theo quy định tại Khoản 4 Điều 56b Nghị định số 38/2015/NĐ-CP (sửa đổi), không lồng ghép vào việc cấp Giấy phép xử lý CTNH.

Theo Đời sống
Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Nhiều vị trí đất trống ven đô Hà Nội được “tận dụng” làm bãi chứa rác thải không đúng quy định. Rác không được phân loại, bốc mùi hôi thối, bủa vây khu dân cư. Thậm chí, rác được đốt trực tiếp, tạo ra luồng khói ô nhiễm, ngột ngạt.
back to top