“Có vào có ra là bình thường”
Theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được Quốc hội thông qua, đã chính thức bỏ “viên chức suốt đời”, thay vào đó là thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với những đối tượng tuyển dụng mới từ 1/7/2020.
Đây cũng là nội dung gây tranh luận trong nghị trường. Một số đại biểu cho rằng, bỏ viên chức suốt đời sẽ gây tâm lý bất an, người lao động không cống hiến hết mình cho công việc. Làm mất sự thu hút ở khu vực công, nhất là lao động có trình độ cao, vì khu vực công lương vốn thấp, chỉ hấp dẫn ở sự ổn định.
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. |
Trao đổi với KH&ĐS về vấn đề này, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, vấn đề bỏ viên chức suốt đời đã có ý tưởng từ đầu những năm 2000 với chủ trương chuyển các đơn vị sự nghiệp công sang dạng tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Nguyên tắc của khu vực công và tư là sự cạnh tranh. Sẽ có chính sách để viên chức không phải sống bằng lương mà bằng thu nhập từ các sản phẩm nghề nghiệp của họ. Như vậy sẽ huy động được tinh thần phục vụ, trách nhiệm của viên chức và vẫn thu hút họ.
Chứ với đội ngũ viên chức cứ yên tâm vào biên chế rồi làm không hết trách nhiệm thì cũng giữ để làm gì.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. |
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc bỏ viên chức suốt đời không hề tạo tâm lý bất an, mà là một cơ chế linh hoạt cho cả lao động và người sử dụng lao động.
Tôi thích tôi làm cho đơn vị này nhưng sau đó tôi thấy đơn vị khác có điều kiện làm việc tốt hơn thì tôi có thể chuyển. Còn người lao động nếu không đáp ứng được công việc thì cũng bị chấm dứt hợp đồng. Điều này giúp nâng cao trách nhiệm từ cả hai phía, tạo động lực phát triển.
Tiến tới bỏ chế độ công chức suốt đời
Ông Thang Văn Phúc cho biết, ở các nước nền công vụ hiện đại thực sự, họ cũng đã thực hiện chế độ hợp đồng đối với công chức, bỏ công chức suốt đời.
“Đầu những năm 2000 tôi đi nghiên cứu ở New Zealand, từ thứ trưởng trở xuống cũng đã theo chế độ hợp đồng rồi. Mình trước mắt bỏ viên chức suốt đời. Nhưng sau này tiến tới kể cả công chức cũng có thể chuyển sang cơ chế hợp đồng để đảm bảo cho một nền công vụ năng động, trách nhiệm và thể hiện sự tận tụy. Chứ không phải vào công chức hay viên chức rồi làm theo kiểu “sáng cắp ô đi tối đi cắp về” mà không ai cho ra được”, ông Phúc nhấn mạnh.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội). |
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng cho rằng, hiện tại luật mới chỉ dừng ở bỏ viên chức suốt đời.
Tuy nhiên, phải tiến lên một bước nữa đối với khối công chức. Nếu chúng ta làm được việc đó thì sẽ loại bỏ được tình trạng những người không phấn đấu vươn lên, không nỗ lực hoàn thành xuất sắc công việc mà chỉ cần giữ làm sao không vi phạm kỷ luật.
Hơn nữa, thực hiện được việc này, những người dùng mối quan hệ thân thiết, hay bằng các hình thức để chạy chọt vào vị trí nào đó cũng không có cơ hội tồn tại.
Việc sửa đổi bỏ chế độ viên chức suốt đời, về mặt tâm lý có thể tác động đến cán bộ công chức viên chức trước mắt. Nhưng đứng về mặt lâu dài sẽ thúc đẩy sự phát triển, vươn lên, đặc biệt là trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường cạnh tranh toàn cầu hiện nay”, đại biểu Hoàng Văn Cường.
Cần có bộ công cụ đánh giá công chức, viên chức
Cũng trao đổi bên hành lang quốc hội về vấn đề này, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội chỉ ra nguyên nhân của tình trạng “vào biên chế đã khó rồi, nhưng cho một người ra khỏi biên chế còn khó hơn”.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội. |
Vì toàn bộ bộ tiêu chí để đánh giá quá trình hoạt động của công chức, viên chức như thế nào không rõ ràng. Đặc biệt với những đơn vị hoạt động mang tính chất định tính nhiều hơn định lượng, rất khó đánh giá.
Theo quy định, 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì mới có quyền cho thôi việc. Nhưng không có căn cứ nào rõ ràng để đánh giá thế nào là không hoàn thành nhiệm vụ, tổng kết cuối năm vẫn tốt cả thì cũng rất khó.
Cho nên, theo ông Sinh, không chỉ là ở việc áp dụng hợp đồng đối với viên chức, mà cần phải có một bộ công cụ đánh giá hoạt động. Thậm chí, cần phải có bộ tiêu chí áp dụng cho từng nhóm công chức. Và cụ thể hơn nữa với từng loại hoạt động. Nếu không có bộ công cụ thì rất khó đánh giá xem có đạt hiệu quả hay không, có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Vì trên thực tế hiện nay, có tình trạng tất cả đều đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng thực chất công việc vẫn không chạy. Người dân vẫn kêu. Như vậy rõ ràng là không chính xác
Tuy nhiên, đi kèm với đó, phải có chế độ khuyến khích những người làm tốt. Trước hết, đó là phải công nhận được giá trị của họ. Sau đó, là phải có chế độ khuyến khích, động viên. Chứ nếu người làm tốt cũng như người không làm tốt thì sẽ thui chột, dẫn tới trì trệ.
Và nếu làm được điều này, cũng sẽ không phải lo bỏ chế độ “viên chức suốt đời” sẽ làm mất hấp dẫn ở khu vực công, khó thu hút người tài.
Đồng quan điểm với đại biểu Sinh, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, quan trọng là làm sao có thu nhập, tiền lương xứng đáng cho người lao động.
Nếu giải quyết được lương, thưởng, đãi ngộ xứng đáng với những nỗ lực, cống hiến, thì vấn đề hợp đồng dài hạn hay viên chức suốt đời không còn quan trọng nữa.
Áp dụng “chế độ biên chế suốt đời” với ba trường hợp
Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua chiều 25/11/2019 có nhiều điểm thay đổi mới, trong đó có một nội dung đáng chú ý là chính thức áp dụng “bỏ biên chế suốt đời”.
Hai loại hợp đồng làm việc là không xác định thời hạn và xác định thời hạn vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn hay “chế độ biên chế suốt đời” chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp sau: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020; Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, đối với những viên chức mới trúng tuyển từ ngày 01/7/2020 thì đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung quy định này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 26-NQ/ về công tác cán bộ. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị nhấn mạnh sẽ tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chế độ biên chế suốt đời với viên chức.
Có ý kiến băn khoăn rằng, sợ rằng từ đây tới thời điểm 1/7/2020, sẽ có các đơn vị tranh thủ để ký hợp đồng “thần tốc” nhằm né luật, hoặc thủ trưởng các đơn vị sẽ nắm quyền sinh quyền sát trong việc thải loại người lao động. Trao đổi về vấn đề này, ông Thang Văn Phúc cho rằng, Nhà nước có cơ chế, công cụ để giám sát, kiểm soát, đâu có thể ký “ào ào”, hoặc muốn làm gì thì làm. Và quá trình chuyển đổi sẽ có những bước đi, quy trình, chứ không phải tuyên bố một văn bản là xong.