Bình Thuận: Nhiều hệ lụy sau cơn sốt đất ảo

(khoahocdoisong.vn) - Đầu tư cả chục tỷ đồng vào dự án bất động sản du lịch ven biển tại Phan Thiết, nhưng hiện nhiều nhà đầu tư "ngồi trên lửa" vì sau nhiều năm dự án vẫn “bất động”, thiếu pháp lý.

Rủi ro “ăn theo” hạ tầng

Anh Lê Văn Hòa (ngụ tại Hà Nội) cho biết, nghe tư vấn về tiềm năng đất đai ven biển Bình Thuận có khả năng sinh lời cao, vợ chồng anh đã gom vốn cùng bạn bè mua 4 lô đất ở một dự án ở xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết.

“Cũng vì nghe họ nói sắp có sân bay Phan Thiết, đất đai sẽ có giá. Do vậy tôi bung hết vốn cùng bạn bè mua đất tại đây để đón đầu. Nhưng đã ba năm qua, dự án sân bay chưa nhúc nhích gì, trong khi chúng tôi đã đóng 65% tiền của 4 lô đất gần chục tỷ đồng. Giờ nhiều lúc gọi chủ đầu tư không bắt máy” - anh Hòa lo lắng.

Còn chị Nguyễn Thị Hoa (quận 3, TPHCM) cho biết, do được bạn bè quen biết giới thiệu, vợ chồng chị đã đầu tư vốn để mua hai lô biệt thự, mỗi lô 250m2 ở một dự án tại Mũi Né, TP Phan Thiết. Chủ đầu tư hứa hẹn sẽ có “đầy đủ tính pháp lý” trong vòng 1 năm, nhưng đã hơn 3 năm nay, gia đình chị Hoa vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dù đã đầu tư vào đây gần 10 tỷ đồng.

“Hỏi thì chủ đầu tư cứ vòng vo, nay lý do này, mai lý do khác. Trong khi 10 tỷ đồng của tôi nếu gửi ngân hàng, hoặc đầu tư ở dự án khác có pháp lý thì có thể đã sinh lãi nhiều hơn rồi”, chị Hoa bức xúc.

Các dự án hạ tầng như sân bay hay cao tốc được đầu tư được đánh giá sẽ có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận. Nổi bật hơn cả là lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng ven biển. Nhưng cũng chính những hạ tầng này đã kéo theo một làn sóng sốt đất nền âm ỉ, tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho các địa phương quanh khu vực quy hoạch dự án.

Xã Thiện Nghiệp là địa phương được quy hoạch một phần để xây dựng sân bay Phan Thiết. Hiện nay, đi dọc theo các tuyến đường 715, Trần Bình Trọng, Hồ Quang Cảnh dễ dàng bắt gặp nhiều điểm môi giới, chào bán bất động sản. Có văn phòng môi giới được thành lập khá hoành tráng, có nhân viên túc trực. Nhưng cũng có không ít “văn phòng” có trụ sở là quán cà phê. Hai bên những tuyến đường này, trên cột điện, cây xanh cũng treo nhiều mẩu tin rao bán, giới thiệu nhà đất với thông điệp chính “bán đất sân bay Phan Thiết”. Một số khu đất tại đây cũng được đổ đường nhựa, phân lô để bán.

Tiếp xúc với chúng tôi, anh Long, nhân viên tại văn phòng môi giới bất động sản trên đường Trần Bình Trọng cho biết, thời điểm này cơn sốt đã qua đi, giao dịch không còn rầm rộ như những tháng đầu năm 2019. Lý do là hiện đang có đoàn thanh tra tỉnh về, yêu cầu siết chặt việc phân lô tách thửa. Tuy nhiên, mức giá bán vẫn không giảm so với thời điểm sốt đất.

Ông Trần Thế Phương, một người dân ở xã Thiện Nghiệp, cho biết đầu năm 2019, người ta bảo dự án sân bay sắp xây dựng, rồi cơn sốt đất ào tới. Mỗi ngày vùng quê vốn bình yên đón hàng chục lượt ô tô của người ở đâu về mua đất. Những miếng đất vốn rẻ như cho, thì nay được họ ra giá hàng trăm triệu, thậm chí vài tỉ đồng, con số mà cả đời người dân cũng không bao giờ nghĩ tới.

Cơ quan quản lý gặp khó

Mặt trái sự bùng nổ của bất động sản Bình Thuận không chỉ là tình trạng các dự án phân lô bán nền trái phép, mà còn liên quan đến những dự án quy mô lớn, được chấp thuận đầu tư bài bản.

Trong tháng 5/2019, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã có nhiều văn bản liên quan đến một số dự án bất động sản ở địa phương vẫn đang trong giai đoạn triển khai xây dựng hạ tầng theo giấy phép, chuẩn bị đầu tư, thậm chí chưa hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng… nhưng đã tổ chức rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua.

Cụ thể, 4 dự án bị yêu cầu ngừng giao dịch do chưa đủ điều kiện bao gồm: khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né của Công ty CP đầu tư IDJ Việt Nam; khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 tại phường Phú Hài của Công ty CP Tân Việt Phát; khu dân cư Nam Cảng cá phường Đức Long của Công ty CP xây lắp thủy sản Việt Nam; dự án Sentosa Villa tại phường Mũi Né của Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn. Trong bốn dự án trên, chỉ có dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 được Sở Xây dựng cấp phép, chủ đầu tư đang triển khai xây dựng hạ tầng; các dự án còn lại chưa hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng.

Một số dự án quy mô lớn đang triển khai cũng dính sai phạm tương tự là Mũi Né Sumerland Resort của chủ đầu tư Hưng Lộc Phát, dự án Thanh Long Bay của tập đoàn Nam Group.

Chia sẻ với báo chí, ông Cao Sơn Dũng, phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận cho biết, thị trường bất động sản Bình Thuận dường như bất động trước khi những thông tin về xây dựng cao tốc, sân bay xuất hiện. Mặt khác, giá đất của Bình Thuận so với các khu vực khác cũng tương đối thấp nên khi có thông tin hạ tầng sẽ sôi động hơn.

Về việc nhiều khu đất quanh sân bay Phan Thiết được phân lô bán nền, ông Dũng khẳng định, khu vực này không có dự án nào đủ điều kiện để phân lô bán nền. Vị phó giám đốc Sở Xây dựng nhận định, để lập dự án phải có sự quản lý từ phía cơ quan chức năng, có sự tham gia của các đơn vị này trong việc thẩm định dự án, đưa ra quyết định đầu tư. Việc phân lô bán đất nền mà không có sự thẩm định, đánh giá của cơ quan chức năng trên thực tế không được xem là các dự án.

Những khu đất phân lô bán nền đang được rao bán chủ yếu là do tự phát, tình trạng rao bán dự án ảo, thổi giá, đầu cơ đã có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản địa phương. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước chưa thể xử lý đối với các dự án “lách luật” bằng cách “đặt chỗ, giữ chỗ” trong các giao dịch BĐS.

“Do pháp luật dân sự về nhà ở hiện nay không bắt buộc chủ đầu tư phải “xin ý kiến” việc đặt cọc, giữ chỗ. Nhiều chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở này để thu tiền người mua, trong khi các hình thức “đặt cọc, giữ chỗ” không được quy định trong luật Nhà ở, luật Kinh doanh BĐS. Hiện nay, Sở Xây dựng đã thành lập đoàn thanh tra để thanh tra một số dự án chưa đủ điều kiện và sẽ tiếp tục thanh tra, kể cả các dự án đủ điều kiện”, ông Dũng nói.

Theo Đời sống
back to top