Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng cho biết, sau khi sự việc xảy ra, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch của tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan cung cấp đầy đủ thông tin về việc mua sắm với Công ty Việt Á. Hiện tại các đơn vị đang thực hiện, khi có báo cáo đầy đủ tỉnh sẽ thông tin.
Trước đó, như KH&ĐS đã thông tin về vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm xảy ra ở Công ty Việt Á. Công ty này nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45% sau đó móc nối bán các cơ sở y tế công rồi "lại quả". Công ty Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỉ đồng. Số tiền “hoa hồng” cho các “đối tác” là gần 800 tỉ đồng.
Hiện có 19 người bị khởi tố bị can để điều tra về các tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "đưa hối lộ, nhận hối lộ" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Tại tỉnh Bình Dương, có 4 cán bộ thuộc Sở Y tế bị khởi tố bị can gồm: Ông Nguyễn Thành Danh - Giám đốc CDC Bình Dương, ông Trần Thanh Phong - Phó Phòng Tài chính Kế toán CDC Bình Dương, bà Lê Thị Hồng Xuyên - nguyên Phụ trách Phòng Thí nghiệm CDC Bình Dương, ông Tiêu Quốc Cường - Kế toán trưởng, Phó Phòng Tài chính Sở Y tế Bình Dương.
Được biết, CDC Bình Dương đã có ít nhất 4 quyết định phê duyệt Công ty Việt Á trúng chỉ định thầu các gói bán mua vật tư y tế lên tới trên 40 tỉ đồng (cung cấp 72.000 kit xét nghiệm COVID-19 do chính Công ty Việt Á sản xuất và 10.000 kit của Mỹ sản xuất).
Ngoài CDC Bình Dương, còn các đơn vị khác thuộc Sở Y tế cũng giao dịch với Công ty Việt Á. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương cũng mua 6 máy xét nghiệm RT-PCR của Công ty Việt Á với giá 23,3 tỉ đồng từ nguồn tiền vận động ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Số máy này được lắp đặt tại Trung tâm Y tế thị xã Bến Cát.
Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương khẳng định, việc mua máy được thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Đồng thời, không có xảy ra tiêu cực, chung chi phần trăm trong việc mua sắm này với Công ty Việt Á.