Người nhà bệnh nhi cho biết, ngày 14/06, trong lúc chơi đùa trong sân, trẻ vô tình trèo lên xe máy điện, bé N.A.T. (Nghị Lộc, Nghệ An) khi không có người lớn giám sát. Chiếc xe nặng đổ ập lên người trẻ, va đập mạnh, chèn ép lên lồng ngực. Trẻ ngất lịm, gia đình khẩn cấp đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Bệnh nhi nhập viện Sản Nhi Nghệ An trưa 14/06 trong tình trạng shock, mạch nhanh nhỏ, dọa tử vong gần. Tiếp nhận cấp cứu, bệnh nhi được chuyển gấp lên khoa Hồi sức Ngoại khoa.
Nhanh chóng, các bác sĩ khoa Hồi sức Ngoại khoa tiến hành hồi sức tích cực. Bệnh nhi được bù dịch, thở máy, xử trí đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, động mạch kết hợp dùng 3 loại thuốc vận mạch kiểm soát huyết động để duy trì chức năng sống.
Bé được siêu âm tim ngay tại giường bệnh. Kết quả siêu âm tim xuất hiện hình ảnh tràn máu màng ngoài tim cấp gây chèn ép tim cấp. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình huống trẻ có thể ngưng tim, tử vong trong tích tắc.
Bị vỡ tim, trẻ 44 tháng tuổi được cứu sống đầy kỳ tích |
Nhận định tình hình vô cùng cấp bách, khoa hồi sức Ngoại báo động đỏ toàn viện huy động hội chẩn ekip các bác sỹ bao gồm Tim mạch, Hồi sức Ngoại, Gây mê và Ngoại Tổng hợp. Êkip thống nhất trẻ bị vỡ tim do chấn thương ngực kín, có chỉ định phẫu thuật cấp cứu tối khẩn.
Êkip phẫu thuật tim hở, gây mê hồi sức chạy đua cùng thời gian để cứu trẻ. Ngay khi mở ngực, máu từ trong khoang màng tim và tim chảy ra ồ ạt với số lượng lớn. Phẫu thuật viên quan sát thấy tim trẻ bị rách nhĩ phải khoảng 1,5 cm sát tĩnh mạch chủ dưới. Rất nhanh chóng, phẫu thuật viên khâu vết rách vỡ tim của trẻ, kiểm soát tình trạng chảy máu, dẫn lưu màng ngoài tim và trung thất rồi đóng ngực.
Ca mổ tối khẩn kết thúc sau những giờ phút phẫu thuật căng thẳng. Bệnh nhân được chuyển về Khoa Hồi sức Ngoại khoa để tiếp tục theo dõi và điều trị. Với những nỗ lực cứu chữa hết lòng của đội ngũ y bác sĩ từ các chuyên khoa, bệnh nhi đã dần dần tỉnh táo, được rút ống nội khí quản và các dẫn lưu, chức năng tim mạch hô hấp ổn định và sớm được ra viện bình an.
Vỡ tim thường có tổn thương rất phức tạp, có tỉ lệ tử vong rất cao, đặc biệt là các tổn thương lớn nếu không được thực hiện bởi các cơ sở chuyên khoa tim mạch do thiếu phương tiện về tim phổi máy, kinh nghiệm phẫu thuật và gây mê hồi sức tim mạch.
Tình trạng bệnh nhi N.A.T., nếu chỉ chậm trễ thêm ít phút thôi, cơ hội sống của trẻ sẽ không còn. Sự nhạy bén, kinh nghiệm phẫu thuật tim trẻ em và quyết đoán trong cấp cứu của các bác sĩ đã cứu sống được bệnh nhân trong trường hợp này.