Bí thư Hà Nội: Thành phố đang vận dụng linh hoạt Chỉ thị 16

Ông Đinh Tiến Dũng cho rằng Hà Nội vận dụng một cách linh hoạt Chỉ thị 16, vừa đảm bảo yêu cầu chống dịch, vừa giúp duy trì sản xuất, ổn định sinh kế cho người dân.

Trao đổi với báo chí sáng 19/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá diễn biến dịch tại Hà Nội đang rất khó lường với nhiều ca mắc cộng đồng phát hiện cùng lúc, trong đó có trường hợp chưa xác định nguồn lây.

Ông Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ chống dịch Covid-19 trên địa bàn đang rất cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp đủ mạnh để tận dụng tối đa “thời điểm vàng”, chặn đứng dịch lây lan diện rộng.

Thời điểm vàng chặn đứng dịch bệnh

"Thường trực Thành ủy đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo quyết định thực hiện một số biện pháp theo Chỉ thị số 16 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng. Chiều 18/7, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành Công điện số 15 cụ thể hóa tinh thần này", ông Dũng cho hay.

Dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu nhưng ông Dũng cho rằng thành phố đã quy định cụ thể từng loại hình, lĩnh vực, cách thức hoạt động bảo đảm an toàn nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo đảm sinh kế cho dân.

"Đây cũng là điểm riêng thể hiện sự chủ động, linh hoạt của thành phố trong vận dụng một số biện pháp theo Chỉ thị 16", lãnh đạo Thành ủy nói.

Dich Covid-19 Ha Noi,  Ha Noi ap dung gian cach anh 1

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng TP đang áp dụng một cách linh hoạt Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Ảnh: Việt Linh.

Ông kêu gọi người dân ủng hộ và thực hiện nghiêm các biện pháp mới mà thành phố áp dụng, nhất là không tụ tập đông người; chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và tuân thủ 5K khi bắt buộc phải ra khỏi nhà. Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp cần là người đi đầu trong thực hiện nghiêm, thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch.

Về một số biện pháp thời gian tới, Bí thư Hà Nội đề nghị các cơ quan TP thông tin rõ ràng giúp người dân bình tĩnh, không chủ quan, nhưng cũng không hoang mang, lo sợ. Người dân không mua gom hàng hóa, chỉ mua đủ dùng. TP tiếp tục duy trì hoạt động trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh và tăng từ 30-50% lượng hàng thiết yếu phục vụ người dân.

Nhấn mạnh giải pháp quyết định để đẩy lùi dịch Covid-19 vẫn là vaccine, Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo ngành y tế sẵn sàng phương án tiếp nhận và sử dụng khi được Chính phủ phân bổ vaccine. TP cần lên phương án lập tiêm chủng cố định và lưu động với 1.200 dây chuyền tiêm và 100 tổ cấp cứu lưu động.

Đảm bảo an toàn cho kỳ họp Quốc hội

Về công tác chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 20/7, ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị từ TP đến cơ sở phải tập trung công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho kỳ họp. Các cơ quan chức năng TP sẵn sàng phương án, kịch bản ứng phó với mọi tình huống.

Trước mắt, Hà Nội sẽ phối hợp, xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ đại biểu Quốc hội và các lực lượng tham gia tổ chức, khử khuẩn, bố trí lực lượng y tế ứng trực tại nơi tổ chức họp Quốc hội và khách sạn đại biểu lưu trú.

Chiều 18/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành văn bản yêu cầu mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Người dân thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

TP dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Chỉ nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. TP yêu cầu giảm 50% công suất hoạt động và 50% số ghế trên phương tiện vận chuyển hành khách công cộng.

Cơ quan, công sở, công ty, doanh nghiệp xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca. Cơ quan, đơn vị thuộc TP bố trí không quá 1/2 số lượng cán bộ, công chức, viên chức; người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà đối với các nhiệm vụ được phân công.

Chỉ đạo được đưa ra sau khi Hà Nội ghi nhận số ca mắc mới liên tiếp trong nhiều ngày, trong đó có nhiều ổ dịch phức tạp tại huyện Đông Anh, quận Hoàng Mai, quận Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm. Như vậy, tại đợt bùng phát thứ 4 (từ 29/4), Hà Nội ghi nhận 427 ca mắc Covid-19. Bên cạnh đó, TP cũng có hơn 100 ca bệnh trên địa bàn nằm trong các bệnh viện tuyến Trung ương.

 
 
Theo zingnews.vn
back to top