Bộ Y tế vừa công bố Bình Dương chỉ mới tiêm được gần 143.000 liều trong tổng số 569.000 liều vaccine được phân bổ và là một trong 8 tỉnh, thành tiêm vaccine chậm. Thực tế, số vaccine Bình Dương đã tiêm nhiều hơn con số do Bộ Y tế cập nhật nhưng do quá trình nhập liệu chậm nên có sự “vênh” nhau giữa 2 số liệu.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, địa phương này đã được Bộ Y tế phân bổ 569.000 liều vaccine phòng Covid-19. Thời điểm đầu, Bình Dương tập trung lực lượng truy vết, khoanh vùng, dập dịch nên việc triển khai tiêm vaccine còn chậm. Cuối tháng 7, Bình Dương bắt đầu phát động Chiến dịch tiêm chủng diện rộng, đưa tất cả vaccine “rời kho” đến với người dân, công nhân lao động.
Thực hiện chiến dịch này, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Dương thành lập gần 200 đội tiêm chủng tại chỗ, lưu động với sự hỗ trợ của hàng trăm sinh viên tình nguyện và y, bác sĩ.
Đối với các địa phương, điểm tiêm chủng cố định được đặt tại trung tâm y tế, trường học, đối tượng ưu tiên là lực lượng tuyến đầu, giáo viên, người cao tuổi mắc bệnh nền, người sinh sống trong vùng có dịch, người nghèo...
Ông Dương Văn Tùng, người dân phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết, vaccine sẽ góp phần phòng, chống, đẩy lùi dịch Covid-19 nên ai cũng mong chờ được tiêm. Khi được tiêm vaccine mọi người cảm thấy yên tâm hơn nhưng vẫn không chủ quan và mong muốn sớm được tiêm mũi 2: "Theo như khuyến cáo của ngành chức năng thì bên cạnh bạn có thể là F0, mình không biết được. Mặc dù có tiêm thì yên tâm hơn một chút nhưng vẫn phải thực hiện 5K đầy đủ. Với tình trạng dịch bùng phát như hiện nay thì việc triển khai tiêm vaccine càng sớm càng tốt để người dân yên tâm hơn".
Còn ở 28 khu, cụm công nghiệp trong tỉnh, Bình Dương đã thành lập các điểm tiêm lưu động cho công nhân của doanh nghiệp đang sản xuất theo 2 phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Riêng khu công nghiệp Sóng Thần 3, có khoảng 6.100 công nhân; Khu công nghiệp VSIP 1, 2 có gần 40.000 công nhân lao động của 350 doanh nghiệp đã được tiêm chủng.
Ông Lương Xuân Hùng, công nhân Công ty TNHH chế biến thực phẩm bao bì Thanh Thủy, ở khu công nghiệp VSIP 1 (phường An Phú, thành phố Thuận An) cho biết, mặc dù công ty đang áp dụng sản xuất “3 tại chỗ” nhưng cũng rất lo ngại vì ở nhiều nơi dịch bệnh đã xâm nhập vào nhà máy. Do đó, gần 280 công nhân công ty rất mong được tiêm ngừa nên khi được thông báo ai cũng vui mừng.
“Mình đã được tiêm được rồi nên cảm thấy tốt hơn, tránh được một phần lo lắng Covid-19 vì đã có lượng thuốc tiêm trong cơ thể. Sau khi được tiêm sẽ nỗ lực, làm tốt hơn công việc của mình. Mong muốn tất cả anh chị em công nhân cả nước, trong tỉnh Bình Dương được tiêm vaccine”.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Bình Dương, đến hôm nay (10/8), Bình Dương đã tiêm xong 546.000 liều vaccine được Bộ Y tế phân bổ, còn lại 23.000 liều. Tuy nhiên, số liệu cập nhật lên hệ thống của Bộ Y tế thì Bình Dương là một trong các địa phương tiêm vaccine chậm. Nguyên nhân được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương giải thích, do địa phương triển khai thần tốc tiêm vaccine tại các điểm trên toàn tỉnh, số liệu tổng hợp cập nhật chuyển về Bộ Y tế chưa kịp thời, do đó có sự chênh lệch. Hiện, Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh đang huy động lực lượng hỗ trợ để nhập số liệu lên hệ thống.
Bình Dương hiện có khoảng 2,6 triệu dân, số người trong độ tuổi tiêm khoảng 2 triệu người. Như vậy, tỉnh này cần ít nhất 1,4 triệu liều nữa mới đủ hoàn thành tiêm cho người dân mũi 1. Tuy nhiên, số lượng vaccine phân bổ cho Bình Dương còn khá khiêm tốn, trong khi địa phương này có số ca mắc Covid-19 đứng thứ 2 chỉ sau TP.HCM với gần 32.500 ca.
Ông Võ Văn Minh- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương đang kiến nghị Trung ương, Bộ Y tế phân bổ thêm vaccine để tiêm cho tất cả người đủ 18 tuổi trở lên. Nếu số lượng vaccine được phân bổ không nhiều sẽ tiếp tục tiêm theo diện ưu tiên là “vùng xanh”, công nhân lao động các doanh nghiệp để tiếp tục duy trì sản xuất: “Khu vực đông công nhân ở nhà trọ, chúng ta xét nghiệm đến đâu tiêm vaccine tới đó. Giải pháp này sẽ hiệu quả hơn là đưa công nhân đi chỗ khác để giải tỏa cho trống nhà trọ. Ngoài ra, một số công nhân lao động của các công ty có nhu cầu sản xuất sớm, đảm bảo hàng hóa có giá trị kinh tế cao, xuất khẩu góp phần củng cố chuỗi cung ứng thì sẽ được tiêm vaccine”.
Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Bình Dương với nhiều lực lượng tham gia đã đưa vaccine đến với người dân, công nhân lao động. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện chiến dịch, nhiều điểm tiêm chủng còn xảy ra tình trạng tập trung đông, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Những đợt tiêm tiếp theo, Bình Dương nên xem lại cách triển khai tiêm chủng theo từng đợt, từng giai đoạn, từng nhóm đối tượng để đảm bảo an toàn, không xảy ra tình trạng sau mỗi đợt tiêm sẽ có thêm các ca mắc Covid-19./.