Bé gái 8 tháng tuổi bị chấn thương sọ não do... rơi khỏi võng

Trong lúc bé đang ngủ võng, mẹ đi ra sau lấy đồ, bất chợt bé giật mình dậy và bị lật võng, té từ độ cao 0,5m xuống đất.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh vừa tiếp nhận cấp cứu và phẫu thuật thành công để nâng xương sọ lún cho một bệnh nhi chỉ mới 8 tháng tuổi (Gò Dầu, Tây Ninh) bị té võng gãy lún sọ vùng chẩm.

Theo mẹ bệnh nhi chia sẻ, trong lúc bé đang ngủ võng, mẹ đi ra sau lấy đồ, bất chợt bé giật mình dậy và bị lật võng, té từ độ cao 0,5m xuống đất. Sau đó, bé không ngừng khóc và dần xuất hiện những biểu hiện bất thường ở tay chân, sưng nhiều vùng chẩm và nôn ói. Gia đình vô cùng lo lắng nên đã tức tốc đưa bé đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh BVCC

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh BVCC

Tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng nguy cấp, sau thăm khám lâm sàng ngay lập tức bé được tiến hành chụp CT não để đánh giá mức độ chấn thương. Kết quả cho thấy bé bị lún sọ chẩm, kèm dập não xuất huyết chẩm trái. Những tổn thương này có nguy cơ cao gây ra các biến chứng nguy hiểm như tăng áp lực nội sọ, phù não hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng vận động và nhận thức của bé trong tương lai.

Theo BS.CKI. Hồ Hoài Hưng Trưởng khoa Ngoại Thần Kinh, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, bệnh nhi chỉ mới 8 tháng tuổi, cơ thể và não bộ còn rất non nớt, nên quá trình phẫu thuật được thực hiện hết sức cẩn trọng và chính xác từ gây mê hồi sức, cho đến tiến hành phẫu thuật để tránh gây thêm tổn thương cho não bộ của bé.

Việc xử lý vùng xương sọ bị lún và các tổn thương dập não đòi hỏi sự khéo léo tối đa, nhằm giải phóng áp lực cho não và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra sau này. Bệnh nhi sau đó đã phục hồi tốt và được xuất viện.

Qua trường hợp này, Bác sĩ Hưng cũng khuyến cáo thêm: “Tình trạng lún sọ xảy ra ở trẻ nhũ nhi, đặc biệt là trẻ dưới một tuổi nguyên nhân có thể bao gồm tai biến khi sinh, trẻ ngã khi tập đứng hoặc từ trên cao rơi xuống. Lún sọ thường xảy ra ở vùng đỉnh đầu và nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như động kinh, rò dịch não tủy hoặc vỡ sọ tiến triển. Do đó, các bậc phụ huynh cần theo dõi kỹ lưỡng và chăm sóc an toàn để phòng ngừa chấn thương cho trẻ.

Nếu không may xảy ra tai nạn, điều quan trọng là gia đình cần theo dõi sát tình trạng ý thức của trẻ, đặc biệt là các dấu hiệu như đau đầu, nôn mửa, quấy khóc. Dù trẻ chưa có triệu chứng rõ ràng, phụ huynh không nên chủ quan. Trong trường hợp nghi ngờ chấn thương sọ não, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý kịp thời, nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Theo Đời sống
Hiếm gặp: Tắc ruột cao do hội chứng SMA

Tắc ruột cao do hội chứng SMA

Hội chứng động mạch mạc treo tràng trên (SMA) hay còn gọi là bệnh Wilkie là một bệnh rất hiếm gặp, tỷ lệ mắc bệnh là 0.1 - 0.3% trong dân số với các biểu hiện mơ hồ. Cần nhận biết sớm.
back to top