Bẫy ứng dụng kiếm tiền “việc nhẹ lương cao”

“Tải app kiếm tiền - thu nhập khủng dễ dàng tại nhà” là một trong số lời mời gọi hấp dẫn xuất hiện phổ biến trên các trang mạng xã hội. Thế nhưng, đằng sau những lời mời chào hấp dẫn này, là nguy cơ rủi ro. 

App kiếm tiền online là các ứng dụng hỗ trợ tạo ra thu nhập cho người dùng bằng các thiết bị di động mà họ đang sử dụng. Để kiếm tiền, người dùng cần thao tác theo yêu cầu trên ứng dụng như: Xem quảng cáo, tạo tài khoản, bình luận... thông qua nhận điểm, xu hoặc tiền mặt. Thông tin quảng cáo là vậy, song theo nhiều người, đến thời điểm muốn rút tiền sẽ xảy ra lỗi hệ thống, thủ tục rắc rối hay tài khoản bị khoá, liên lạc thì không được, tiền cũng không cánh mà bay.

Ứng dụng ảo… mất tiền thật

Trước lời chào mời của các app kiếm tiền với mức lợi nhuận đầu tư hấp dẫn từ 30 -80%, nhiều nạn nhân đã mất tiền từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng.

Mới đây, anh T.H. (Kiến An - Hải Phòng) trình báo cơ quan chức năng về việc bị mất 40 triệu đồng sau khi đầu tư vào app kiếm tiền online. Lướt mạng xã hội, anh H bắt gặp quảng cáo hấp dẫn: “Thông qua tính năng của Zalo, chỉ cần một chiếc điện thoại mỗi ngày có thể kiếm từ 1 đến 3 triệu đồng”. Kèm theo đó là số điện thoại, tin nhắn của tổng đài (người hướng dẫn cách chơi để kiếm tiền). Đang trong giai đoạn tiệm kinh doanh quần áo của mình ế ẩm, thu nhập kém, anh quyết định liên hệ nhận việc.

Anh được người hướng dẫn nhiệt tình chỉ về từng bước cụ thể như tải app, đăng ký tài khoản, nạp tiền vào tài khoản, liên kết ngân hàng, đăng ảnh lên nhóm người chơi cùng… và cách để có thể tăng tiền trong tài khoản đầu tư. Muốn tham gia, anh phải đóng 500.000 đồng phí đăng ký thành viên, được hứa hẹn hoàn trả ngay sau đó.

“Những ngày đầu, app sẽ sinh lời gấp đôi hoặc nhiều hơn so với số tiền tôi nạp vào. Khi yêu cầu được nhận tiền thật, họ cũng trả lại vào tài khoản đúng như hứa hẹn. Thế nhưng, khi số tiền lớn hơn, các đối tượng tìm mọi cách trì hoãn và không cho rút. Hôm sau, tôi bị loại khỏi app và mất sạch số tiền đã nộp vào là 40 triệu đồng, liên hệ với người hướng dẫn thì không được trả lời”, anh H bức xúc nói.

Không chỉ anh H., chị T.P. (35 tuổi, Nghệ An) cũng bị quảng cáo việc nhẹ lương cao “hớp hồn”. Sau khi đăng ký, chị được hướng dẫn nạp tiền vào tài khoản của hệ thống mới được tạo đơn hàng và nhập liệu theo lệnh. Thử thực hiện với số tiền nhỏ, chị rút được cả gốc lẫn lãi về tài khoản của mình.

“Thấy đúng như lời tư vấn, tôi tiếp tục nộp tiền để tạo đơn hàng ngày càng lớn, từ vài triệu đồng/lần lên đến hơn 100 triệu đồng/lần. Khi nộp số tiền tạo đơn hàng trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng, những “nhân viên hướng dẫn” luôn lấy lý do là sai cú pháp thực hiện đơn, phải đóng thuế thu nhập cá nhân, tạo thêm đơn... mới được rút tiền gốc và lãi. Cố gắng lấy lại tiền đã nộp, tôi đã chuyển tiếp 100 triệu đồng vào nhiều tài khoản khác nhau nhưng vẫn không được. Lúc này biết bị lừa, tôi đến cơ quan công an trình báo”, chị T.P kể.

Nhiều ứng dụng kiếm tiền lừa đảo xuất hiện trên thị trường.

Nhiều ứng dụng kiếm tiền lừa đảo xuất hiện trên thị trường.

Trước đó, năm 2022, hàng loạt nạn nhân gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an về ứng dụng mang tên “trang trại tiết kiệm” có hành vi lừa đảo hàng trăm tỷ đồng của nhà đầu tư, với chiêu trò người tham gia app sau 10 - 20 ngày thu lợi nhuận khủng.

Các nạn nhân trải dài ở hầu hết tỉnh, thành từ Bắc vào Nam như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM, Vĩnh Long… Nhiều nhà đầu tư sau khi tham gia, muốn có được lãi nhiều, lãi cao, hưởng hoa hồng từ việc giới thiệu người tham gia, đã lôi kéo người thân, bạn bè cùng “khởi nghiệp”, nên số nạn nhân bị mất tiền rất lớn.

Ông Nguyễn Văn S. (40 tuổi, quê Vĩnh Phúc) ngậm ngùi chia sẻ rằng, ông cùng nhiều người khác sập bẫy “Trang trại tiết kiệm” và mất gần 100 triệu đồng.

Tương tự, anh H.Đ.H. (32 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết, bị mất hơn 70 triệu đồng khi tham gia “nuôi bò online”. “Ban đầu, tôi chỉ dám chơi vài triệu rồi thấy có lãi nên mê. Khi đến đợt khuyến mãi mới, tôi bị cuốn vào, đầu tư hẳn 70 triệu đồng thì hôm sau phát hiện hệ thống sập. Tiền đó, tôi vay tín dụng, giờ phải gồng mà trả”, anh H. nói.

Điểm chung của những lời mời tham gia này đều nhấn mạnh vào việc kiếm tiền đơn giản, làm tại nhà, thu nhập tốt, hoa hồng cao, lương trả trong ngày. Các đối tượng luôn áp dụng chiêu “thả con săn sắt, bắt con cá rô”, nhắm vào những người dùng nhẹ dạ, cả tin, nhất là những đối tượng như sinh viên, nội trợ, những người đang mong muốn có công việc online tại nhà, làm thêm nhẹ nhàng tăng thu nhập.

Làm sao để phát hiện và tránh lừa đảo?

Ông Nguyễn Thế Chiêu, chuyên gia công nghệ, CEO Webbi.asia, cho hay, nhiều người dùng thiếu hiểu biết, bị lừa tham gia và gặp rủi ro khi kiếm tiền trên app.

“Người dùng có thể nhận biết những app kiếm tiền lừa đảo qua các đặc điểm như ứng dụng không có trên kho ứng dụng CH-PLAY (Android) và APP STORE (IOS); đăng ký tham gia buộc phải nạp một số tiền được gọi là vốn ban đầu, sau đó hứa hẹn nhận lãi suất, phần thưởng; việc nạp, rút tiền qua nhiều công đoạn, đối tượng thu phí không rõ ràng; luôn cho bạn xem những kết quả ấn tượng, số tiền khủng của những tài khoản ảo; xây dựng một mô hình đầu tư nạp tiền thì ít nhưng lãi suất nhận lại cực kỳ cao… ”, ông Nguyễn Thế Chiêu cảnh báo.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Sen, Công ty Luật Thành Đô Việt Nam - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, khuyến cáo, không bao giờ có “việc nhẹ lương cao”. Mọi người cần cảnh giác cao độ, tránh tin người mà giao dịch chuyển tiền làm lộ thông tin cá nhân, thậm chí mất tiền, gánh nợ.

Theo luật sư Sen, nếu không may sập bẫy lừa đảo tải app kiếm tiền, nạn nhân cần làm những bước sau đây để bảo vệ chính mình:

Đầu tiên cần kiểm tra lại tài khoản, các thông tin cá nhân có thể bị lộ và tiến hành ngay lập tức báo với ngân hàng; thay đổi mật khẩu và thông tin khác nếu thấy cần thiết, đồng thời tiến hành thu thập chứng cứ liên quan hành vi lừa đảo qua mạng, ví dụ hình ảnh, nội dung tin nhắn trao đổi, lệnh chuyển tiền… Đây là căn cứ quan trọng để cơ quan chức năng có thể sử dụng để tiến hành điều tra và giải quyết vụ việc.

Sau đó, nạn nhân cần chuẩn bị đơn tố giác và tài liệu trên tới cơ quan công an gần nhất để tố giác tội phạm. Sau khi có được tài liệu, chứng cứ, vật chứng có liên quan vụ việc lừa đảo, cơ quan có thẩm quyền sẽ điều tra, trường hợp có yếu tố tội phạm sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Khi giải quyết vụ án, phần yêu cầu hoàn trả tiền, tài sản do hành vi phạm tội mà có sẽ được coi là giải quyết yêu cầu dân sự trong vụ án hình sự. Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nạn nhân chỉ có thể khởi kiện yêu cầu hoàn trả tiền theo con đường khởi kiện ra tòa để giải quyết vụ việc dân sự./.

Theo Đời sống
Có nên dùng hoa vạn thọ chế biến món ăn?

Có nên dùng hoa vạn thọ chế biến món ăn?

Thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video chế biến món ăn từ hoa vạn thọ. Chỉ cần gõ từ khóa “ăn hoa vạn thọ”, “mì tôm hoa vạn thọ”… sẽ cho ra một loạt kết quả với hàng chục video khác nhau.
back to top