Trao đổi với Khoa học và Đời sống, GS. TS. Lê Hữu Nghĩa - Chủ tịch Hội Triết học, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (một trong 106 Trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu 2022 được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vinh danh) cho biết, từ việc ông Đặng Việt Hà và trước đó nhiều quan chức xộ khám do nhận hối lộ cho thấy tình trạng tham nhũng ngày càng tinh vi, có tổ chức, lợi ích nhóm, can thiệp, thao túng của một số cán bộ có chức có quyền.
GS. TS. Lê Hữu Nghĩa. |
“Đây không chỉ là hành vi tham nhũng mà đó còn là sự xuống cấp, suy thoái về tư tưởng, chính trị và đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ. Những người này không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, không gìn giữ sự liêm sỉ, trách nhiệm của mình, bị lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân làm cho mờ mắt. Đồng thời cho thấy, tiêu cực (suy thoái, tư tưởng, đạo đức, lối sống…) là một trong những nguyên nhân cơ bản của tham nhũng, đi liền với nhau như hình với bóng. Do đó, phòng chống tham nhũng phải đi đôi với phòng chống suy thoái, tiêu cực”, GS. TS. Lê Hữu Nghĩa nhấn mạnh
Mới đây, cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đặng Việt Hà - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam về tội "Nhận hối lộ". Trước đó, 3 cán bộ Phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam gồm Trần Anh Quân - quyền trưởng Phòng; Đặng Trần Khanh - Phó trưởng phòng và Phạm Đức Ngọc - Chuyên viên đã bị khởi tố về tội danh trên.
Đại diện phòng Cảnh sát sự hình Công an TP HCM cho biết, các đơn vị tư nhân muốn lập các trung tâm đăng kiểm, phải chung chi hàng trăm triệu đồng cho lãnh đạo các phòng ban và Cục Trưởng Cục Đăng kiểm để được cấp giấy phép, tạo điều kiện hoạt động từ đó gây ra các hành vi vi phạm pháp luật. Hàng tháng, hằng quý các trạm, các trung tâm đều phải chung chi tiền cho các cán bộ Cục Đăng kiểm và lãnh đạo các phòng ban thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng như Cục trưởng Đặng Việt Hà.